Theo nguồn tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, chiến lược cũng đặt ra các mục tiêu tăng thời hạn dự báo bão, không khí lạnh lên đến 3 ngày với độ chính xác ngang mức tiên tiến của khu vực châu Á; tăng thời hạn dự báo, cảnh báo lũ cho các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ lên đến 2 - 3 ngày, ở Trung Bộ lên đến 2 ngày, ở Nam Bộ lên đến 10 ngày với độ chính xác 80 - 85%.
Đa dạng hóa các sản phẩm dự báo như dự báo khí tượng thủy văn biển hàng ngày và 5 - 7 ngày; dự báo khí tượng thủy văn cực ngắn (6 - 12 giờ), đặc biệt là dự báo định lượng mưa; cảnh báo lũ quét, nguy cơ lốc, tố, vòi rồng; dự báo khí tượng thủy văn phục vụ các ngành kinh tế, xã hội.
Cũng theo chiến lược này, đến năm 2015 Việt Nam cần phát triển được mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn đồng bộ, có mật độ trạm tăng ít nhất 50% so với hiện nay và tự động hóa 75% số trạm trong mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đến năm 2020, phấn đấu mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn có mật độ trạm tương đương với các nước phát triển và tự động hóa trên 90% số trạm quan trắc.
Ngoài ra, công tác xử lý, lưu trữ tư liệu khí tượng thủy văn đặt ra mục tiêu đến năm 2015 tự động hóa toàn bộ công tác thu nhận, kiểm tra, chỉnh lý, phục vụ số liệu khí tượng thủy văn; số hóa 75% tư liệu khí tượng thủy văn trên giấy; lưu trữ số liệu khí tượng thủy văn trên các hệ thống thông tin điện tử hiện đại.
Đến năm 2020, số hóa toàn bộ tư liệu khí tượng thủy văn trên giấy, hoàn thiện ngân hàng dữ liệu khí tượng thủy văn hiện đại và gia tăng giá trị kinh tế - kỹ thuật của số liệu khí tượng thủy văn./.