Áp lực tăng chuyến khiến lái xe tìm đến ma túy

Theo nhiều lái xe nghiện ma túy, nghề lái xe thường phải đi nhiều nơi, xa nhà, va chạm với nhiều thành phần trong xã hội nên dễ bị lôi kéo, rủ rê, dẫn đến nghiện.

Rất nhiều tài xế sau thời gian gắn bó với các cung đường đã phải vào trại cai nghiện, viện tâm thần để điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia cho biết, Viện đã và đang điều trị cho nhiều tài xế nghiện ma túy. Bác sĩ Tuấn phân tích, chính áp lực tăng chuyến là nguyên nhân khiến lái xe dùng ma túy.

Có những lái xe bị doanh nghiệp (DN) ép chạy đủ tuyến, đủ định mức dẫn đến trạng thái căng thẳng và họ tìm đến chất kích thích, ma túy để duy trì thời gian lái lâu hơn.

tainan.jpg
Một xe container gây tai nạn trên QL5 (Ảnh: CAND)

Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài việc chống buồn ngủ và mệt mỏi, những chất kích thích tâm thần, gây hưng phấn. Nhưng chính sự hưng phấn đó lại làm giảm khả năng tư duy, phán đoán khi tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.

Có thể khẳng định, hiện nay, một số lượng không nhỏ các tài xế, chủ yếu thuộc nhóm lái xe đường dài có dùng ma túy, đặc biệt là ma túy đá – một loại chất kích thích có thể khiến người sử dụng thức suốt ngày đêm.

Tuy nhiên, việc kiểm tra các tiêu chí về sức khỏe của tài xế, nhất là đối với tài xế sử dụng chất ma túy lại ít được DN sử dụng lao động và cơ quan chức năng chú trọng.

Thực trạng này cho thấy, nếu các cơ quan chức năng không tăng cường kiểm tra, xử lý thì tình trạng lái xe nghiện ma túy sẽ tiếp tục là nguy cơ gây ra những tai nạn thảm khốc trên đường.

Ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho rằng, để tăng cường kiểm tra phát hiện lái xe sử dụng chất ma túy, các DN trực tiếp quản lý lái xe phải nâng cao công tác quản lý con người; thường xuyên kiểm tra sức khỏe các lái xe, thử nước tiểu và thanh lý hợp đồng đối với các lái xe có biểu hiện sử dụng ma túy.

Ông Tiến cho biết thêm, đối với một địa bàn “nóng” về nạn lái xe sử dụng ma túy như Hải Phòng, các DN vận tải trên địa bàn thành phố sẽ làm triệt để vấn đề này. Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền tới các lái xe về hậu quả của ma túy, đặc biệt là sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện sẽ gây hậu quả khôn lường về con người và tài sản.

Khó kiểm tra, phát hiện

Luật Giao thông đường bộ đã nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong người có chất ma túy. Hành vi này bị phạt tiền từ 8 đến 10 triệu đồng và bị tịch thu giấy phép lái xe từ 30 ngày đến không thời hạn.

Đối với các doanh nghiệp vận tải, khi phát hiện hoặc nghe phản ánh lái xe sử dụng chất ma túy, phải có biện pháp kiểm tra ngay. Họ phải là người đầu tiên phát hiện, ngăn chặn các lái xe của mình trong việc sử dụng ma túy.
Tuy nhiên, hiện nay, các cơ quan chức năng lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, xác định xem tài xế có sử dụng ma túy hay không bởi thực tế, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông trên đường chưa có đủ chuyên môn về y tế và không có dụng cụ lấy mẫu để tiến hành kiểm tra đối với hành vi sử dụng chất gây nghiện của lái xe.

Hơn nữa, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam còn cho rằng, việc kiểm tra sử dụng chất ma túy ngoài việc cần có những thiết bị y tế theo quy định còn phải đảm bảo tính nhân văn trong lúc kiểm tra, không gây bức xúc cho lái xe mà vẫn phát hiện được những trường hợp vi phạm.

Vì thế, để tăng cường kiểm tra phát hiện và xử lý lái xe sử dụng chất ma túy, theo luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc Công ty Luật Basico, các cơ quan chức năng cần bổ sung những quy định, điều kiện pháp lý cụ thể cũng như trang thiết bị y tế cho lực lượng chức năng để tiến hành kiểm tra, giám sát trên đường.

Luật sư Trần Minh Hải nêu ý kiến: “Chế tài đã có nhưng còn thiếu những hướng dẫn cụ thể và quy trách nhiệm đối với các lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông. Cần thiết phải bổ sung những quy định mới và đưa vào hệ thống quản lý giao thông đường bộ mới khiến những quy định liên quan đến việc kiểm tra lái xe sử dụng ma túy được thực hiện công bằng, nghiêm minh và có tính răn đe tốt hơn”.

Bên cạnh việc xử lý tài xế, cũng cần làm rõ trách nhiệm của chủ doanh nghiệp vận tải có tài xế vi phạm. Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nếu tài xế bị phát hiện sử dụng ma túy thì DN quản lý lái xe cũng phải bị xử lý. Quy định hiện hành bắt buộc 6 tháng một lần, tài xế phải đi kiểm tra sức khỏe nhưng không có hình thức xử lý nào đối với DN vận tải sử dụng lái xe bị phát hiện có sử dụng chất kích thích.

Như vậy, việc các đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức khám sức khỏe định kỳ và đột xuất với đội ngũ lái xe, kiên quyết loại những lái xe có hành vi sử dụng chất ma túy điều khiển phương tiện giao thông sẽ được thực hiện nghiêm túc nếu các DN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng lái xe. Nhờ đó, mới hạn chế được các trường hợp lái xe sử dụng chất ma túy gây ra tai nạn và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội./.