Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm (tuy nhiên, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh).

Theo Ban soạn thảo Luật Lao động sửa đổi, để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt trong bố trí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người lao động mong muốn nâng giới hạn giờ làm thêm để có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, Ban soạn thảo đã đề xuất tăng thời gian làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.

doanh_nghiep_niux.jpg
Nhiều đại diện doanh nghiệp cho rằng nên tăng thời gian làm thêm tối đa lên 400-450 giờ/năm. (Ảnh: KT)

Song một số đại diện các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, hàng năm đều điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động, nhưng giờ làm thêm lại khống chế, chỉ 200 giờ/năm, trong các trường hợp đặc biệt mới được 300 giờ/năm. Trong bối cảnh tiền lương tăng, tiền xăng tăng, giá vật tư cũng tăng, nhưng giá thành sản phẩm xuất khẩu không tăng, thậm chí còn bị “dìm giá” sẽ khiến doanh nghiệp hết sức “chật vật”.

Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT công ty CP may Sông Hồng cho rằng: “Luật hiện hành khiến doanh nghiệp khố khổ, khốn cùng. Doanh nghiệp không thể lớn mạnh vì những quy định trong luật hiện hành. Giờ làm thêm bị bó hẹp, lương tối thiểu hàng năm vẫn tăng trong khi năng suất lao động không tăng”.

Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), quy định về khung giờ làm thêm hiện hành chưa phù hợp với doanh nghiệp thủy sản. Thực tế với ngành này, nhiều trường hợp nguyên liệu do ngư dân đánh bắt được đem đến nhà máy quá nhiều. Doanh nghiệp không thể không nhận, nhưng nếu nhận thì phải sản xuất ngay, tăng số giờ làm thêm, như vậy sẽ vi phạm điều khoản trong Luật Lao động.

Do đó, ông Nam kiến nghị điều chỉnh số giờ làm thêm của người lao động lên không quá 400 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm không quá 500 giờ/năm.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm – Tổng thư ký Hiệp hội cũng cho rằng giờ làm thêm nên nới rộng ra khoảng 50% so với luật hiện hành. Đối với các ngành có thể là 400 giờ/năm. Riêng các ngành đặc biệt, khung giờ làm thêm có thể là 450 giờ/năm.

Đồng tình với quan điểm nên nâng thời gian làm thêm, bà Đào Thị Thu Huyền, Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng nhận định các doanh nghiệp cần thời gian để kịp nhịp độ thực hiện đơn hàng. Nhiều lĩnh vực nghiên cứu cũng cần có thời gian làm việc dài hơn để nâng cao hiệu quả làm việc.

Bà Huyền đề xuất, nên mở rộng khung thời gian làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm, với các ngành sản xuất và cần thời gian phục vụ nghiên cứu thì Chính phủ nên có quy định riêng.

Cùng với các vấn đề về tăng tuổi nghỉ hưu, xây dựng thang bảng lương, thì thời gian làm thêm giờ đang rất được các doanh nghiệp quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luật tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 7 lần này và thông qua vào kỳ họp Quốc hội lần thứ 8./.