“Tôi cho rằng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014 có nhiều điểm chưa sát với thực tiễn đời sống nhân dân. Đặc biệt, chưa sát với những người đóng và hưởng BHXH. Tôi có cảm giác là việc làm luật này chưa thận trọng, nhiều đối tượng chưa khảo sát đến nơi đến chốn, khảo sát chung chung dẫn đến nhiều đối tượng thấy quy định như Điều 60, Luật BHXH không phù hợp với thực tế cuộc sống. Cho nên người dân phản ứng là điều tất nhiên”-Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hóa xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận xét về Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014 đang gây tranh cãi.

2014_159_05_a2_wwxo.jpgÔng Nguyễn Túc
Ông Nguyễn Túc cho rằng, không phải đến bấy giờ, mà cũng không phải riêng Luật BHXH mà một số luật “làm có vẻ “lướt”. Chúng ta không đưa ra để thảo luận từng nhóm đối tượng. Vì vậy dẫn đến không không phân biệt được những khác biệt của từng nhóm đối tượng, từng tầng lớp từng giai cấp nên không nhận được sự đồng tình của các tầng lớp nhân dân”.

Theo ông Nguyễn Túc, trước phản ứng mạnh mẽ của người dân, việc Chính phủ nhất trí kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 là quyết định kịp thời và đúng đắn. “Tôi đồng tình với việc Chính phủ hoãn thi hành một thời gian. Trong thời gian hoãn thi hành đó, đề nghị lấy ý kiến của nhân dân- những người được hưởng chính sách này. Không có ngại gì cả, sai thì sửa, vấn đề lợi ích của những người tham gia có được đảm bảo hay không và luật có sát với cuộc sống hay không”.

Mặt trận phải nêu vấn đề này với Quốc hội, với Chính phủ 

Về việc Mặt trận có tham gia kiến nghị, góp ý những nội dung còn tranh cãi trong Luật BHXH 2014, ông Nguyễn Túc cho rằng, quyết định về ý kiến của Đoàn chủ tịch Mặt trận là do Đoàn Chủ tịch quyết định, nhưng với tư cách là ủy viên Đoàn Chủ tịch, đồng thời là chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hóa xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ, ông tha thiết đề nghị Đoàn Chủ tịch và Ban thường trực Mặt trận cho Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hóa xã hội họp và xem lại nội dung này.

“Nếu được sự đồng ý, chúng tôi sẽ bàn một cách chi tiết và kiến nghị với Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực để Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực kiến nghị với Quốc hội, với Thủ tướng Chính phủ. Mặt trận phải nêu vấn đề này với Quốc hội, với Chính phủ để xem xét, chỗ nào sai thì sửa để phù hợp với thực tế”- ông Nguyễn Túc nói.

Theo ông Nguyễn Túc, lợi ích cao nhất là lợi ích của dân, ở trong trường hợp này là lợi ích của người được hưởng bảo hiểm mà họ không đồng tình thì không có lý do gì, Mặt trận không có ý kiến. Để có ý kiến xác đáng, thì Mặt trận không có lý do gì mà không đi khảo sát ý kiến của dân để phản biện lại một cách chính xác. Đây cũng là một việc để thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về Giám sát và phản biện xã hội đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

“Để có đề nghị xác đáng, theo tôi phải đi khảo sát thực tế, phải đi tận nơi, gặp gỡ các đối tượng. Nếu chỉ xem trên tivi, trên báo mà đã đưa ra kiến nghị, tôi cho rằng không phù hợp. Chúng tôi sẽ có kiến nghị cụ thể nên sửa theo hướng nào khi đã có khảo sát, thảo luận kỹ và thống nhất”- ông Nguyễn Túc nói./.