Từ 27/5 đến nay, tỉnh Gia Lai xuất hiện 4 ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò tại 3 huyện và đang có nguy cơ lan rộng. Hiện nay, ngành thú y, chính quyền địa phương và người dân các địa phương có dịch đang triển khai những giải pháp quyết liệt nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan nhằm bảo toàn đàn gia súc.
Anh Đơng, làng Brếp là 1 trong những hộ dân đầu tiên ở xã Đăk Djăng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai có đàn bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục. Ngày 27/5, anh phát hiện 4 trong số 20 con bò của mình có dịch tiết ở mũi, mắt, trên thân có các nốt sần, nhưng không kịp thời chữa trị, khiến 2 con bò bị chết.
Anh Anh Đơng cho biết: “Nhà tôi có 4 con bị bệnh. Ban đầu bò bị nổi cục, tôi không biết chúng bị làm sao nên chỉ chăm sóc bình thường, nhưng sau đó 2 con bị chết. Xã hướng dẫn chăm sóc bò bệnh, cho bò bệnh nhốt riêng”.
Ít ngày sau khi phát hiện bò bị bệnh tại 2 làng của xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang, dịch viêm da nổi cục trên gia súc đã xuất hiện ở 2 xã của huyện Đăk Đoa và 1 xã của huyện Chư Sê, với tổng số gia súc mắc bệnh là 47 con.
Nói về việc ngăn chặn dịch bệnh này, ông Lữ Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa, Gia Lai cho biết: “Chúng tôi tổ chức chốt chặn ở các đường liên thôn, liên xã, phun tiêu độc khử trùng ở toàn địa bàn xã. Đối với những gia súc, những hộ chăn nuôi có bò nhiễm bệnh thì xã triển khai cho đoàn thanh niên, hội nông dân phun khử khuẩn 1 lần/ 1 ngày; với những hộ có gia súc chưa nhiễm bệnh thì tổ chức phun 1 lần/ 2 ngày.”
Hiện nay, tổng đàn gia súc của tỉnh Gia Lai là hơn 435.000 con, số lượng đứng thứ 2 cả nước; chủ yếu là chăn nuôi nhỏ, lẻ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc phòng, chống dịch, bảo vệ an toàn của đàn gia súc có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế của người dân.
Vì vậy, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn khẩn cấp về việc triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các địa phương và ngành nông nghiệp thực hiện nghiêm các giải pháp ngăn dịch lây lan, mua vaccine tiêm cho đàn gia súc, thực hiện hỗ trợ và tiêu huỷ gia súc bệnh, giám sát chặt chẽ tình hình gia súc để chuẩn bị các phương án.
Ông Dương Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Gia Lai cho rằng, tác nhân truyền bệnh viêm da nổi cục trên gia súc là các loại côn trùng như muỗi, ruồi. Điều này cộng với tập quán chăn thả gia súc và thời tiết nóng, ẩm gần đây chính là những yếu tố khiến nguy cơ dịch viêm da nổi cục trên gia súc bùng phát diện rộng. Ông khuyến cáo người dân chú ý chăm sóc đàn gia súc, thực hiện việc tiêm phòng vaccine để phòng ngừa dịch bệnh:
Ông Dương Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Gia Lai cho biết: “Khả năng lây lan dịch bệnh diện rộng vì tác nhân gây bệnh, ví dụ như con ruồi trâu, nó có thể bay khoảng cách rất xa, đốt từ con này sang con khác. Với tình hình hiện tại, người chăn nuôi, nhất là nuôi bò phải chăm sóc đàn bò, chủ động mua vaccine để tiêm phòng, nhằm tạo miễn dịch chủ động. Khi gia súc có biểu hiện bất thường thì phải báo ngay chính quyền địa phương để phối hợp cơ quan chuyên môn hướng dẫn xử lý”./.