Phạt 3 triệu, “bêu tên” người vi phạm
Nghị định 155/2016/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành nhằm thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính việc vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, từ 1/2/2017, mức phạt tiền sẽ tăng 10 lần với hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định. Đây là điểm mới được quy định và áp dụng. Các hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng (quy định cũ phạt 200 nghìn đồng). Hành vi vứt, thải, bỏ mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Việc vứt bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng…
Hà Nội hiện đang thiếu nhà VSCC và việc đặt nhà VSCC còn chưa hợp lý. |
Ngoài bị phạt tiền, người “tiểu đường” nếu gây dư luận xấu sẽ bị nêu tên công khai kèm thông tin về vi phạm trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh…
Theo Nghị định, thẩm quyền xử phạt những hành vi vi phạm môi trường là UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ban quản lý rừng, Ban quản lý các vườn quốc gia...
Những lực lượng có thẩm quyền xử lý người vi phạm sẽ trực tiếp bắt quả tang hoặc thông qua các biện pháp nghiệp vụ, ghi hình, chụp ảnh...Theo quy định, số tiền xử phạt từ những hành vi này sẽ được các đơn vị xử phạt giữ lại 70% để chi hỗ trợ lực lượng, chi phí tập huấn, sơ kết, mua tin (chi phí mua tin không quá 10% số tiền phạt và mỗi vụ không quá 50 triệu đồng), trang bị phương tiện phát hiện hành vi vi phạm... 30% còn lại nộp vào ngân sách trung ương. Việc áp dụng xử phạt sẽ bắt đầu từ 1/2/2017.
Nhiều người cho rằng, trước khi áp dụng Nghị định 155/2016/NĐ-CP phạt người tiểu bậy cần phải "phủ sóng" nhiều hơn nữa nhà vệ sinh công cộng, đáp ứng nhu cầu tự nhiên của mỗi người. |
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng: "Việc xử phạt nặng hành vi tiểu bậy là một trong những giải pháp tốt để ngăn ngừa được những thói quen xấu, gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị. Nhưng xử phạt như thế nào mới là quan trọng, phạt ai – ai phạt?".
Khó thực hiện vì thiếu cả nhà vệ sinh lẫn ý thức
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tại 10 quận nội thành và thị xã Sơn Tây của TP. Hà Nội có khoảng 350 nhà vệ sinh công cộng (VSCC). Trong đó, có 263 nhà VSCC cố định, phân bố chủ yếu ở các ngõ, phục vụ người dân trong các khu dân cư, khu tập thể. Số còn lại được bố trí tại các địa điểm như công viên, vườn hoa, các khu vui chơi, giải trí... Tính trung bình mỗi quận có 30 nhà VSCC.
Đi dọc một số tuyến đường như Giải Phóng, gầm các cầu vượt, con đường gốm sứ Trần Nhật Duật – Trần Quang Khải – Yên Phụ, tường rào công viên Thống Nhất… hàng ngày nhân viên vệ sinh vẫn phải xịt nước vào chân tường rào cho…bớt khai. Tại những điểm này thường xuyên bắt gặp cảnh người tấp xe vào tiểu bậy.
Trước thông tin sẽ xử phạt người “tiểu bậy” đến 3 triệu đồng, nhiều người không khỏi ngạc nhiên và cho rằng khó thực hiện.
Ông Hoàng Văn Lâm, chạy xe ôm đoạn ngã 3 Kim Đồng – Giải Phóng cho rằng, muốn xử phạt được cần phải lắp đặt được đủ nhà VSCC đã, vì hiện nay thiếu nhiều quá, nhiều khi muốn đi vệ sinh đúng chỗ mà đâu có tìm được chỗ để đi.
“Chúng tôi chạy xe ngoài đường suốt ngày như thế này, không có bến bãi gì thì lấy đâu nhà vệ sinh. Mà trên đường này thì nhà VSCC lại không có, nên nhiều khi buồn quá cũng đành phải đi bậy, biết là không hay ho gì nhưng bất đắc dĩ chú ạ”.
Theo quy định, từ ngày 1/2/2017, các hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng (quy định cũ phạt 200 nghìn đồng). |
Còn anh Trần Duy Minh, làm nghề lái taxi thì cho rằng: Bất hợp lý nhất hiện nay là nhà VSCC vừa thiếu lại vừa không hợp lý: “Với chúng tôi suốt ngày trên xe rất khó tìm nhà VSCC, nếu có cũng không thể vào vì nhà VSCC thường đặt ở nơi đông người, cấm dừng đỗ. Không thể đi gửi xe cách cả cây số để vệ sinh, hoặc nếu đi vệ sinh xong mà bị phạt vài trăm lỗi dừng đỗ thì cũng không ai chấp nhận được. Nên trước khi áp dụng thì cần phải có đủ nhà VSCC ch người dân đã, nhu cầu có mà không đáp ứng được, nói phạt là phạt ngay như thế cũng rất khó”.
Có một thực tế là nhà VSCC hiện nay còn thiếu và còn bẩn, một số nhà VSCC cố định nhìn rất khang trang nhưng bên ngoài bức tường bị bong tróc, bốc mùi hôi thối. Rất nhiều nhà VSCC khác cũng có tình trạng tương tự khi đầy xú uế, khiến người dân vô tư “tiểu đường” dù cách đó không xa là nhà vệ sinh. Một số nhà VSCC di động thì thường xuyên không có người trực, luôn đóng cửa nên nhiều người đến mà không có chỗ nên cũng đành ra gốc cây xử lý.
Đừng quy định cho có rồi để đấy
Theo Ủy viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền, việc tăng mức xử phạt đối với hành vi tiểu tiện, đại tiện và hành vi vứt mẩu, tàn thuốc lá không đúng quy định tại nơi công cộng là cần thiết, tuy nhiên, chỉ tăng mức phạt tiền thôi là chưa đủ, vì đây liên quan đến ý thức văn hóa của mỗi người dân nên cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết rõ để không vi phạm.
Thực tế đã có nhiều qui định được ban hành nhưng không thấy thực hiện, chỉ dừng lại ở quy định rồi để đó, như Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, rất nhiều người vẫn hút thuốc lá tại nơi công cộng, công sở nhưng rất ít người bị phạt. Nhiều nơi lãnh đạo vẫn hút thuốc thì làm sao phạt được nhân viên và người dân.
“Nếu không thực hiện một cách công bằng, nghiêm túc sẽ dẫn đến tình trạng người dân không đồng tình trong việc xử phạt, ví dụ như nhiều người mắc cùng một lỗi mà có người bị phạt, có người lại không bị xử lý. Do đó, dễ dẫn đến tâm lý nhiều người vi phạm không phục”, Ủy viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền phân tích.
Ông Xuyền cũng cho rằng, bên cạnh việc tăng mức phạt, cần tăng cường công tác kiểm tra và xử lý thường xuyên chứ không nên làm hình thức cho có rồi bỏ đấy. Bên cạnh đó là việc sẽ bố trí người như thế nào để thực hiện xử lý các hành vi vi phạm này.
“Các cơ quan có chức năng khi tiến hành kiểm tra, xử phạt cần đảm bảo tính công bằng, minh bạch và người dân cũng cần chủ động tìm hiểu và có ý thức thực hiện các quy định pháp luật. Có như vậy thì các quy định này mới đi vào cuộc sống. Đừng quy định cho có rồi để đấy”.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều người cho rằng, cần phải xử lý thật nặng với những người thiếu ý thức, vì có nhiều người còn vô tư tiểu bậy ngay cạnh nhà VSCC, đó là hành vi không thể chấp nhận được.
Một số luật sư cho rằng việc xử phạt có nghiêm khắc không, lực lượng nào đứng ra chủ trì, cơ chế xử lý như thế nào để người dân sợ và không dám vi phạm mới là vấn đề đáng bàn. "Hiện đã có ít nhất 2 nghị định quy định về phạt tiền với hành vi này, nhưng trong nhiều năm qua, dường như rất ít trường hợp bị xử phạt, người dân sẽ nhờn luật", vị luật sư này phân tích.
Bên cạnh đó, trước khi áp dụng phạt cần phải "phủ sóng" nhiều hơn nữa nhà vệ sinh công cộng, đáp ứng nhu cầu tự nhiên của mỗi người. Thành phố nên lắp hệ thống camera giám sát ở những nơi công cộng, có chế độ thưởng cho người cung cấp thông tin. Mặt khác, cũng nên tăng mức phạt cao hơn quy định hiện hành để xử lý nghiêm hành vi cố tình vi phạm./.
- Tại Hà Nội vào tháng 2, Công an phường Láng Hạ (quận Đống Đa) căn cứ hình ảnh camera ghi lại hình ảnh người đàn ông tiểu bậy giữa đường đã lập hồ sơ và phạt cảnh cáo với mức 200.000 đồng.
- Còn tại TP. Hồ Chí Minh, vào tháng 3 năm nay lực lượng trật tự đô thị Quận 1, TPHCM đã được trang bị đầy đủ trang thiết bị để ghi nhận hình ảnh, xử phạt các trường hợp tiểu tiện ở nơi công cộng không đúng quy định. Ngoài việc bị xử phạt 200.000 đồng, người vi phạm phải dội nước làm sạch khu vực vừa “tè bậy”.
- Chỉ trong thời gian ngắn, đội trật tự đô thị Quận 1 đã phát hiện, xử phạt 19 trường hợp tiểu tiện ở khu vực công cộng; nhắc nhở và yêu cầu viết bản cam kết không tái phạm 15 trường hợp.