Sau Hội nghị lần thứ 6 vừa qua, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã ban hành Nghị quyết số 20 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết khẳng định, nghề Y là nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Sau khi Nghị quyết này được ban hành, Bộ Y tế đã đề xuất điều chỉnh bậc lương khởi điểm cho bác sĩ theo hướng tăng lên. Vậy, cơ sở nào để Bộ Y tế đưa ra đề xuất này?
Một ca mổ tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang- Hà Nội. |
Để trở thành một bác sĩ phải học 6 năm; sau đó, phải học thêm một năm rưỡi định hướng chuyên khoa hoặc thực tập tại bệnh viện mới được hành nghề. Đó là chưa kể phải học chuyên khoa một (2 năm) và chuyên khoa hai (3 năm) mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Trong khi đó, với các ngành nghề khác, chỉ cần học 4 năm, ra trường, làm việc, vẫn được tính lương như bác sỹ.
Từ thực tế này, ông Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, cần tăng bậc lương khởi điểm cho bác sĩ. Nhiều người dân cũng mong muốn thầy thuốc có thu nhập ổn định để chuyên tâm điều trị cho bệnh nhân và góp phần hạn chế tiêu cực.
Bà Nguyễn Thị Tư ở xã Yển Khê, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ điều trị bệnh tại Trung tâm Y tế Thanh Ba nói: “Ngày xưa, nhiều khi bác sỹ chẩn đoán, điều trị không được chuẩn, nhưng ngày nay tay nghề của bác sỹ đã được nâng lên nhiều. Người dân chúng tôi cũng thấy phấn khởi yên tâm đến tuyến dưới khám điều trị. Chúng tôi mong Nhà nước quan tâm nâng mức lương cho y, bác sỹ để họ yên tâm công tác, chữa trị cho bệnh nhân tốt hơn và người dân cũng tin tưởng hơn”.
Nghề y là nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo và đãi ngộ đặc biệt. |
Theo ông Hà Quốc Phòng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, đơn vị tuyển dụng bác sỹ ngày càng đòi hỏi chuyên môn cao nên sau khi ra trường, sinh viên y khoa phải học thêm và thực hành nhiều năm mới được hợp đồng làm việc. Điều này dẫn đến ngày càng nhiều bác sỹ bị thiệt thòi về số năm công tác, khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, tăng bậc lương khởi điểm cho bác sỹ trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết, phù hợp với lộ trình tăng dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu tối đa.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội, từ năm 2018, muốn hưởng lương hưu ở mức tối đa 75%, lao động nam phải đóng bảo hiểm 35 năm và lao động nữ phải đóng bảo hiểm 30 năm, tăng 5 năm so với hiện nay.
Bác sỹ Hà Quốc Phòng cho rằng: “Việc tăng bậc lương không nhiều so với mức sống hiện tại, nhưng đó là sự quan tâm, động viên đối với cán bộ y tế thiết tha yêu nghề cũng như sinh viên, học sinh sẽ thi vào ngành Y nhiều hơn. Bởi mọi người thấy ngành Y tế được coi trọng nhiều hơn. Chúng tôi rất đồng tình để tạo điều kiện cho cán bộ y tế phát huy năng lực, sở trường, yêu ngành, yêu nghề hơn”.
Bộ Y tế vừa kiến nghị Chính phủ và đề xuất bộ, ngành chức năng nâng bậc lương khởi điểm của bác sỹ sau khi hết thời gian thử việc được hưởng bậc 2 của ngạch lương trình độ đại học; tức là bác sỹ sẽ được hưởng lương khởi điểm hệ số 2,67, thay vì 2,34 như hiện nay.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, tăng bậc lương khởi điểm cho bác sỹ chỉ là một trong những biện pháp thực hiện quan điểm chỉ đạo của Trung ương về chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế: “Chúng tôi cũng muốn khuyến khích các tỉnh, các đơn vị phải có cơ chế, chính sách riêng cho đối tượng bác sỹ các chuyên khoa đặc thù tại các cơ sở y tế do địa phương quản lý được hưởng những chế độ, chính sách như: cấp đất, cấp nhà, cấp một khoản thu nhập ban đầu để khuyến khích.
Trong tương lai để đảm bảo thu nhập thường xuyên cho họ, kể cả những bệnh viện lao, phong, tâm thần thì sắp tới, Bộ Y tế sẽ cùng các tỉnh thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các bệnh viện này để các bệnh viện sau khi chi khám chữa bệnh cho người bệnh xong, nguồn thu sẽ được chia để tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên.”
Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nêu rõ nghề y là nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Ngoài việc đề xuất nâng bậc lương khởi điểm cho bác sỹ, Bộ Y tế chỉ đạo tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính, dần tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, đưa lương của thầy thuốc vào giá dịch vụ và các bệnh viện sẽ được tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Bên cạnh đó, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và thông tuyến khám chữa bệnh theo lộ trình. Những biện pháp này sẽ tạo nên một cuộc cạnh tranh lành mạnh, buộc các cơ sở y tế phải đổi mới, lấy bệnh nhân làm trung tâm, nâng cao chất lượng chuyên môn cũng như thái độ phục vụ để làm hài lòng người bệnh. Thực hiện tốt điều này thì nguồn thu của bệnh viện sẽ tăng lên và có điều kiện để nâng cao đời sống của y, bác sỹ cũng như thu hút, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao./.
Y, bác sỹ không có ngày nghỉ vì quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết