Các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nêu rõ: Năm 2005 đánh dấu bước phát triển quan trọng của pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam với việc Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ. Qua hơn 2 năm thực hiện, các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ đã từng bước đi vào cuộc sống, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, người sáng tạo, người sử dụng và công chúng thụ hưởng; thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Sở hữu trí tuệ cũng tồn tại những hạn chế cần sớm có sự sửa đổi, bổ sung. Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ lần này phải kế thừa những quy định của pháp luật đã được thực tiễn kiểm nghiệm, bảo đảm phù hợp với các quy định phổ cập của pháp luật quốc tế, có tính đến những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch và khả thi của hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Các đại biểu đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến xung quanh 4 vấn đề chính là: giới hạn quyền sở hữu trí tuệ; thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và vai trò của cơ quan Nhà nước về sở hữu trí tuệ trong hoạt động giám định sở hữu trí tuệ. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí với tờ trình của Chính phủ về phạm vi sửa đổi, bổ sung luật; theo đó, việc sửa đổi phải vừa đáp ứng được yêu cầu của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm cân bằng giữa lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ, công chúng thụ hưởng và Nhà nước.

Tán thành quan điểm trên, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng phạm vi sửa đổi như vậy là phù hợp để đảm bảo tính tương thích, có thể trình ra để thông qua tại Kỳ họp Quốc hội tới. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cũng nhất trí với phạm vi sửa đổi, chỉ nên tập trung sửa đổi các vấn đề liên quan đến những điều ước quốc tế mà chúng ta đã ký kết, những vấn đề bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện. Về thời hạn bảo hộ quyền tác giả, theo dự thảo Luật là 75 năm thay cho quy định hiện hành là 50 năm.

Theo bà Trương Thị Mai, cần cân nhắc thêm việc nâng thời hạn, nếu kéo dài như vậy thì bảo đảm quyền của chủ sở hữu nhưng liệu có ảnh hưởng đến sở hữu chung của công chúng thụ hưởng. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi lại nêu ý kiến, nếu không có lý do gì thì nên nâng thời hạn bảo hộ lên 75 năm để thống nhất với thông lệ quốc tế. Về hoạt động giám định trong sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình băn khoăn có nên để cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện chức năng này không, cần nghiên cứu lại để tránh chồng chéo.

Góp ý vào nội dung này, đa số các đại biểu nhất trí không nên giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước mà giao cho một cơ quan có tính độc lập để đảm bảo khách quan. Ông Bình nêu thêm, không nên nâng thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp lên gấp đôi thời gian như trong dự thảo luật dự kiến sửa đổi, chỉ giãn thời gian để vừa khắc phục tình trạng quá tải hiện nay lại tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Vấn đề thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, đại biểu Đào Trọng Thi cho rằng cần nghiên cứu kỹ, tính toán lại cho hợp lý./.