Trong những năm qua, việc đào tạo lao động không sát với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến tình trạng ra trường vẫn phải học lại. Đội ngũ lao động hiện nay vừa mất cân đối về cơ cấu trình độ, vừa mất cân đối cơ cấu ngành nghề.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: "Cần đổi mới phương pháp đào tạo"

** Giá nhân công có ý nghĩa như thế nào trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, thưa ông?

Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng, tỉ lệ người trong độ tuổi lao động cao. Lao động Việt Nam thông minh, khéo tay, giá nhân công rẻ. Tuy vậy, giá nhân công rẻ hiện nay không còn lợi thế như những năm trước, bởi các ngành nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, lao động chưa qua đào tạo, cho dù giá rẻ cũng ngày càng mất lợi thế cạnh tranh. Thêm nữa, Việt Nam ngày càng phát triển, giá nhân công ngày càng cao, lao động Việt Nam cần nỗ lực nâng cao trình độ lao động, năng suất để nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

** Theo ông, đâu là điểm yếu của thị trường lao động Việt Nam?

Thứ nhất, nắm bắt thông tin chưa đầy đủ, cả về phía doanh nghiệp và người lao động (NLĐ). Thứ hai, ở thị trường lao động có tổ chức như: các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, DN FDI, lao động được quản lý tương đối chặt chẽ trong khi khu vực kinh tế phi chính thức việc quản lý còn đang bị thả nổi. Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 3 triệu hộ gia đình kinh tế thu hút khoảng 38% số lao động nhưng việc thực hiện các quy định của Nhà nước về tiền lương tối thiểu, bảo hiểm lao động, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác cho NLĐ chưa đầy đủ.

** Theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động giả tạo?

Sự thiếu hụt lao động giả tạo một phần do thị trường lao động hoạt động chưa hiệu quả. NLĐ chưa tiếp cận được thông tin, chưa biết rõ DN nào đang tuyển dụng lao động, ngành nghề ra sao, thu nhập như thế nào?… Chúng ta cứ nhìn những NLĐ đứng đường để chờ đợi có ai thuê để đi theo thì thấy rõ ràng những NLĐ này chưa tiếp cận được thông tin về việc làm một cách đầy đủ. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân, người sử dụng lao động chưa đưa ra mức lương hợp lý và địa phương có DN đóng trên địa bàn cũng chưa tạo ra kết cấu hạ tầng cần thiết như: nhà ở, nhà trẻ, bệnh viện, trường học… để NLĐ yên tâm với công việc.

** Theo ông, để nâng cao chất lượng nguồn lao động, cơ quan nào phải đóng vai trò chủ đạo?

Có nhiều cơ quan, ban, ngành góp phần vào việc nâng cao chất lượng lao động: ngành y tế chăm lo sức khỏe, DN, Hội thanh niên, Đoàn Thanh niên cộng sản... các hiệp hội ngành nghề ngành giáo dục - đào tạo… đều góp phần vào việc nâng cao chất lượng lao động. Tuy nhiên, vai trò chủ đạo vẫn là ngành giáo dục - đào tạo. Ngành giáo dục - đào tạo cần đổi mới phương pháp đào tạo, không chỉ đào tạo kiến thức mà còn phải góp phần xây dựng nhân cách mà việc này phải làm ngay từ cấp I, dạy NLĐ cách thích nghi với cuộc sống hiện nay, vượt khó vươn lên, biết cách tổ chức cuộc sống hợp lý, biết cách tự học suốt đời, và đặc biệt là dạy cho NLĐ kỉ luật lao động. Nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay không chỉ yếu về kiến thức, kỹ năng mà còn yếu về kỉ luật lao động và chưa biết cách thích nghi với các điều kiện lao động. Để tạo ra nguồn lao động có hiệu quả, các cơ sở đào tạo lao động nên bắt tay với DN.

** Để chất lượng nguồn lao động của nước ta tiệm cận với thế giới hoặc ít ra là trong khu vực, chúng ta cần làm gì, thưa ông?

Năng suất lao động của chúng ta tăng chậm. Trong suốt 25 năm qua, năng suất lao động tăng khoảng 300%, cũng trong thời gian đó, năng suất lao động của Hàn Quốc tăng 3.000%. Muốn có năng suất lao động cao, ngoài công nghệ và thiết bị, còn có vấn đề chất lượng người lao động. Vì vậy, để nâng cao chất lượng lao động có nhiều khâu: Thứ nhất, phải coi trọng vấn đề sức khỏe và chất lượng dân số, đảm bảo cân đối giữa nam và nữ. Thứ hai, phải cải cách mạnh mẽ khâu giáo dục đào tạo, không chỉ giáo dục kiến thức mà còn giáo dục sự sáng tạo, nhân cách, năng lực thích nghi với điều kiện thế giới đang thay đổi, năng lực vượt khó, biết rút ra bài học kinh nghiệm từ những thất bại để vươn lên.

Chủ doanh nghiệp và người lao động cần hiểu nhu cầu và khả năng của nhau

Theo Bà Nguyễn Lâm Thúy, Giám đốc Mạng việc làm 116, để chủ DN và NLĐ gặp nhau, thông tin phải mở. Nhu cầu tuyển dụng của DN càng công khai càng tốt. DN cần tuyển dụng lao động không chỉ đăng thông tin trên một vài báo và sàn giao dịch việc làm, mà có thể gửi thông tin đến các trường đào tạo nghề, đến tận xã, phường.

Bên cạnh đó, NLĐ tìm việc cũng nên loan báo rộng rãi nhu cầu tìm việc của mình. Hai bên phải hiểu biết về nhu cầu và khả năng của nhau. DN nên tuyển dụng những lao động đáp ứng được công việc lâu dài, chứ không nên tuyển dụng lao động chỉ đáp ứng yêu cầu công việc trước mắt, sau này không phù hợp lại sa thải. NLĐ cũng phải hiểu rõ mình: tính cách, sở trường, hoàn cảnh và hiểu được nghề nghiệp để xem mình thích ứng với nghề nào nhất.

Các hội chợ việc làm được tổ chức thường xuyên đã tạo cơ hội cho DN và NLĐ trực tiếp gặp gỡ nhau, hiểu được nhu cầu và khả năng của nhau. Qua các hội chợ việc làm, các thông tin về nhu cầu tuyển dụng của DN được công khai, tạo cơ hội cho NLĐ tìm kiếm việc làm phù hợp với mình. Tuy nhiên, các hội chợ việc làm sẽ có ích hơn nếu tại mỗi hội chợ có một bộ phận tư vấn cho NLĐ lựa chọn nghề nghiệp theo khả năng.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền về những DN tham gia tuyển dụng cũng cần thực hiện tốt để NLĐ hiểu hơn về DN trước khi họ vào làm việc, như thế họ sẽ gắn bó lâu dài với DN. Những thông tin tuyển dụng trong hội chợ việc làm không nên chỉ bó hẹp trong thời gian diễn ra hội chợ mà nên duy trì ở những trung tâm giới thiệu việc làm. Nhà nước nên khuyến khích các trung tâm tư vấn việc làm ra đời nhằm cung cấp thông tin về thị trường lao động, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài.

Doanh nghiệp phải chủ động nguồn nhân lực

Ông Lương Quốc Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giấy và Bao bì Phú Giang (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, tình trạng thiếu lao động sau Tết Nguyên đán hầu như không xảy ra đối với công ty của ông do công ty sử dụng đến 95% lao động địa phương. Đội ngũ lao động địa phương chất lượng khá đảm bảo và độ tuổi còn rất trẻ. Sử dụng lao động địa phương, nơi làm việc và chỗ ở của họ gần nhau, có nguồn thu ổn định nên NLĐ rất gắn bó với công ty. Thêm nữa, công ty tạo không khí làm việc thân thiện giữa Lãnh đạo công ty với công nhân để NLĐ coi công ty như ngôi nhà thứ hai của mình, yên tâm gắn bó và cống hiến.

Ưu điểm của lao động trẻ là hăng hái, nhiệt tình, yêu nghề, không ngừng học hỏi. Chất lượng lao động đang dần được nâng cao. Tại mỗi địa phương hiện nay đều có trường đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN trên địa bàn. Để không bị thiếu hụt nguồn lao động, DN luôn phải chủ động nguồn nhân lực và kế hoạch hoạt động của mình. Ví dụ, nếu 2 năm nữa, DN lắp đặt dây chuyền máy móc công nghệ mới thì ngay từ bây giờ, DN đã phải có sự chuẩn bị về lao động chứ không phải khi dây chuyền đi vào hoạt động mới đăng thông tin tuyển dụng lao động. Để NLĐ yên tâm với công việc, chủ DN phải coi NLĐ là tài sản vô giá của DN, làm nên thành công của DN. Muốn vậy, DN phải tạo việc làm và thu nhập ổn định cho NLĐ, tạo môi trường làm việc lành mạnh để NLĐ phát huy khả năng, có cơ hội thăng tiến./.