Tại khu vực Nam bộ, mực nước thượng lưu sông Mekong xuống dần và ở mức thấp, lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng đầu mùa khô ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-45%.

nhiem_man_vov_swao.jpg
Sản xuất lúa đang đối diện với những khó khăn.

Hiện dòng chảy sông Mê Kông về ĐBSCL từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020 rất hạn chế, dự báo có khả năng thiếu hụt khoảng 30-45%. Chính vì vậy, vùng ĐBSCL sẽ đối diện với tình trạng xâm nhập mặn gay gắt, diễn ra sớm và sâu hơn. Đặc biệt là ở các địa phương ven biển của vùng như: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Long An, Kiên Giang.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ giữa tháng 12/2019, ở một số nơi vùng ĐBSCL  mặn xâm nhập sâu vào nội đồng khoảng 35 - 45 km tính từ cửa sông, cao hơn năm 2016 từ 3 - 5 km; tháng 1 và 2/2020 ranh mặn 4 gam/lít xâm nhập sâu vào nội đồng lên đến 55 - 110 km, cao hơn năm 2016 từ 3-7 km.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái cho biết dự báo mặn sẽ gay gắt ngay từ đầu năm: “Ngay từ tháng 7 nước đã thấp kỷ lục. Thấp kỷ lục trong gần nửa thế kỷ. Vì vậy không có nước vào 3 túi tạm trữ là Đồng Tháp Mười, Tức giác Long Xuyên và vùng Biển Hồ. Vì vậy qua mùa khô này là không có nước. Vì vậy mùa khô năm nay sẽ hạn mặn gay gắt hơn 2016. Bây giờ chỉ mới đầu mùa khô mà mưa thì còn tới 6 tháng nữa. Trong khi đó không có nguồn nước nào ở trên chảy về đủ mạnh để có thể làm giảm xâm nhập mặn. Ranh giới mặn ngọt ở ĐBSCL là sự đấu tranh liên tục ngày đêm của 2 lực là lực sông và lực biển. Bất cứ khi nào sông yếu thì biển lấn vào”.

Được biết, trong chiều 2/1, Bộ Nông nghiệp đi kiểm tra công trình và tình hình hạn mặn tại tỉnh Trà Vinh. Ngày mai 3/1, tại Bến Tre, Bộ sẽ tổ chức Hội nghị Triển khai công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 khu vực ĐBSCL./.