Tại phiên họp toàn thể chiều 5/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã giải trình việc “Tại sao đến thời điểm này mới trình Quốc hội thông qua Dự án Hồ chứa bản Mồng?”.
Theo Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường, Dự án Hồ chứa nước bản Mồng được phê duyệt từ năm 2009, trong đó có 2 hợp phần gồm xây dựng toàn bộ dự án của đập do Bộ NN&PTNT quản lý thực hiện. Hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Nghệ An chủ trì thẩm định, phê duyệt thực hiện.
Tại Quyết định phê duyệt lần đầu của Bộ NN&PTNT năm 2009, Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng không thuộc dự án, công trình quan trọng quốc gia. Năm 2017, Bộ NN& PTNT phê duyệt điều chỉnh dự án và năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đã xác định diện tích sử dụng đất của Dự án sau điều chỉnh là 3.963,83 ha (giảm 1.295.5 ha so với phê duyệt năm 2009). Trong đó có 312,95 ha rừng phòng hộ đầu nguồn phải đổi chuyển mục đích sử dụng, nên thuộc tiêu chí Dự án quan trọng quốc gia và Thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc Quốc hội.
“Ngày 15/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 83 để thực hiện Luật Lâm nghiệp, trong đó, đối với dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng trong nội dung chưa xác định diện tích rừng được chuyển mục đích sử dụng sang làm mục đích khác. Nếu trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Quốc hội thì giao Bộ NN&PTNT thực hiện trình tự, thủ tục, hồ sơ dự án, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Chính vì vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của Dự án Hồ chứa nước Sông Than, tỉnh Ninh Thuận và dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An là phù hợp với quy định hiện hành”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Giải trình về diện tích rừng trên cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong tổng số 14,6 triệu ha rừng hiện nay (của cả nước – PV) thì riêng rừng tự nhiên có 10,3 triệu ha. Như vậy, so với cách đây 30 năm chỉ có 9 triệu ha, thì đã tăng được 1,3 triệu ha rừng tự nhiên.
“Tuy nhiên, phải khẳng định, chất lượng rừng tự nhiên của chúng ta hiện nay chưa được tốt. Trong tổng số 10,3 triệu ha, chỉ có 15% là rừng giàu về trữ lượng; 50% là rừng trung bình; còn 35% còn lại là rừng nghèo kiệt”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Sau giải trình của Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) đã đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm về Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng. Bởi Luật Đầu tư công quy định rất rõ rằng, từ 50ha rừng phòng hộ đầu nguồn thì Quốc hội phải cho ý kiến. Vậy tại sao trong quá trình điều chỉnh dự án, tăng lên diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn lớn như vậy mà lại chưa có ý kiến của của Quốc hội thì căn cứ nào để Bộ NN&PTNT ra Quyết định điều chỉnh?
Đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (Đoàn Gia Lai) thì cho rằng, Bộ trưởng NN&PTNT nói con số liên quan đến rừng tự nhiên là đáng phấn khởi, nhưng con số này rất “vô lý” và có điều gì đó “sai sai”. Theo đại biểu Ksor H'Bơ Khăp, mỗi một kỳ họp Quốc hội, các đại biểu liên tục nghe những dự án, công trình liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trong đó có rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ là rừng tự nhiên. Do vậy, diện tích rừng tự nhiên khó tăng lên được.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Quốc hội yêu cầu tới đây, phải có chính sách khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên, phải tăng hơn nữa định mức để cho người dân tham gia chăm sóc ngày càng đảm bảo độ giàu về đa dạng sinh học và tăng lên về trữ lượng. Kể cả 4,3 triệu ha rừng trồng tới đây cũng phải thay đổi bằng kết cấu rừng lâu năm, cơ cấu hài hòa kết hợp đặc biệt là những nhóm cây bản địa.
“Tới đây trong chương trình dự án phát triển rừng giai đoạn 2021-2030 chính phủ đã lấy ý kiến các bộ ngành và các địa phương, tới đây sẽ trình phê duyệt. Chúng ta sẽ đảm bảo mọi khả năng cung ứng tốt nhất để có được chất lượng rừng ngày càng đảm bảo”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết./.