Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng đất nước, lực lượng thanh niên xung phong đã có nhiều đóng góp to lớn. Đến nay, chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng những tồn đọng trong giải quyết chế độ chính sách cho thanh niên xung phong vẫn chưa được khắc phục triệt để. Giải quyết tốt vấn đề này vừa là trăn trở, thể hiện tình cảm tri ân với những hy sinh, mất mát của nhiều thế hệ thanh niên xung phong, đồng thời cũng là trọng tâm công tác của Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống, phóng viên Đài TNVN đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Anh Liên, Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong Việt Nam.

PV: Thưa ông, mặc dù đã có nhiều văn bản của các cơ quan Nhà nước nhưng vì sao đến nay, việc giải quyết chế độ chính sách cho thanh niên xung phong vẫn còn nhiều tồn đọng?

Ông Nguyễn Anh Liên: Việc giải quyết chính sách sau khi giải phóng năm từ năm 1975 -1999 Chính phủ mới ban hành quyết định 104 việc thực hiện chế độ chính sách cho thanh niên xung phong, và đã giải quyết được một số, nhưng phần đông vẫn chưa giải quyết được. Đến năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 40 thay thế Quyết định 104. Đối với thanh niên chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Bắc, Tây Nam thì lúc bấy giờ do hoàn cảnh lịch sử để lại không gọi là thanh niên xung phong, mà gọi là thanh niên xung kích, nên cũng gặp trở ngại. Hiện nay, chúng tôi đang tìm mọi cách để tham mưu ban hành hướng dẫn của cơ quan chức năng, bộ ngành chức năng.

anh.jpg
Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng đất nước, lực lượng thanh niên xung phong đã có nhiều đóng góp to lớn (Ảnh minh họa)

Quyết định 40 thì những trường hợp tồn đọng hầu như là không có hồ sơ gốc. Chúng tôi đề xuất và các cơ quan tham mưu cũng đã đồng tình và Thủ tướng Chính phủ cũng nhất trí là muốn giải quyết chế độ chính sách tồn đọng thì phải lập Hội đồng chính sách của cấp cơ sở tức là xã, phường. Hội đồng đó gồm có cấp ủy, chính quyền đoàn thể, mặt trận và có đại diện của cựu thanh niên xung phong. Nhiều nơi đã có kết quả bước đầu, nhưng cũng có nhiều nơi, chính quyền địa phương phân vân là lúc các bác, các ông đi thì họ chưa sinh, nên không biết làm thế nào xác nhận được. Tất cả những tồn đọng chính sách, đúng là có những trường hợp không có cách nào giải quyết được nhưng nếu có tấm lòng thì sẽ có cách giải quyết, như vậy chúng tôi đem tấm lòng của mình ra góp cho Đảng, Nhà nước, chính quyền để giải quyết chính sách cho đồng đội.

PV: Nhân kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống, vậy trong năm nay Hội cựu thanh niên xung phong sẽ có những giải pháp, mục tiêu gì góp phần giải quyết những tồn đọng về chế độ chính sách đối với những thanh niên xung phong hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Liên:Tổ chức hội từ Trung ương đến cơ sở quyết tâm thực hiện được kết quả cao nhất 3 chương trình mục tiêu vào cuối năm 2014. Thứ nhất, làm tốt vai trò nhân chứng lịch sử để giúp Chính phủ và chính quyền các cấp giải quyết cơ bản tình trạng tồn đọng chính sách, mà hiện nay còn hơn 15 vạn cựu thanh niên xung phong chưa được hưởng chính sách gồm: 8.779 người bị thương chưa được giải quyết chế độ thương binh; 681 người hy sinh chưa được giải quyết chế độ liệt sỹ; 10.053 người bị nhiễm chất độc màu da cam chưa được giải quyết chế độ; 6.1261 người chưa được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần; 21.623 người chưa được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên; 14.500 người chưa có bảo hiểm y tế; 1.900 người qua đời mà không có chế độ mai táng phí.

Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động nghĩa tình đồng đội và vận động mọi nguồn lực để xây dựng quỹ hỗ trợ và giúp đỡ cho 55.000 hộ nghèo và cận nghèo thoát khỏi cảnh nghèo, cảnh nhà ở tạm bợ đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, là 4.500 nữ thanh niên xung phong cô đơn không nơi nương tựa thì thường xuyên có sự chăm nom giúp đỡ của các tổ chức hội. Tất cả đồng đội khi qua đời, đều được tổ chức tang lễ tiễn đưa trang nghiêm.

Thứ 3, là bằng mọi cách tổ chức về lại chiến trường xưa để tìm kiếm, cất bốc hơn 600 hài cốt đồng đội, mà mấy chục năm nay chưa tìm được thì mục tiêu này trong năm 2014 chúng tôi cũng phấn đấu hoàn thành.

PV: Xin cảm ơn ông./.