PV:Cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, tạo ra sự thay đổi lớn trong mọi lĩnh vực cuộc sống và báo chí cũng nằm trong dòng chảy ấy. Là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam khoá XI, cũng là người làm công tác quản lý ở cơ quan báo chí, xin ông cho biết những khó khăn thách thức mà báo chí phải đối mặt hiện nay?

Nhà báo Phạm Mạnh Hùng: Có thể nói chưa bao giờ báo chí chịu sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, với sự phát triển rất mạnh của khoa học công nghệ, nhất là trong lĩnh vực thông tin truyền thông. Đặc biệt là sự xuất hiện của rất nhiều nền tảng công nghệ, của mạng xã hội xuyên biên giới như: Facebook, Twitter, Tiktok…

Nếu trước đây báo chí là những đơn vị độc quyền cung cấp thông tin thì bây giờ không còn nữa, mọi người dân với điện thoại thông minh, có mạng xã hội là đều có thể cung cấp những nội dung có tính chất thông tin lên rất nhiều các nền tảng, chính vì vậy sự chia sẻ, sự cạnh tranh rất gay gắt. Điều này không chỉ khiến báo chí bị phân tán công chúng mà còn khiến giảm thu nhập về quảng cáo, tài trợ, phần lớn các quảng cáo đang dần chuyển từ nền tảng truyền thống sang nền tảng số và các nền tảng xuyên biên giới, đây là thách thức rất lớn cho báo chí trong nước.

Không chỉ vậy, báo chí trong nước còn phải cạnh tranh với các tờ báo nước ngoài được Việt hóa… Đó là những khó khăn mà chưa bao giờ báo chí Việt Nam phải đối diện trong giai đoạn này. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cũng là cơ hội để báo chí tự nhìn lại và tìm ra con đường riêng để phát triển.

Thứ nhất, báo chí cần  phát huy được tính chuyên nghiệp trong việc xác minh, đưa tin, bình luận, phân tích, dự báo sự kiện, vấn đề công chúng quan tâm. Sự chuyên nghiệp của báo chí sẽ tạo sự khác biệt  so với các  mô thức truyền thông khác, đặc biệt là mạng xã hội. Sự cạnh tranh thông tin cũng giúp báo chí trưởng thành hơn, chuyên nghiệp hơn.

Thứ hai, các cơ quan báo chí cũng có thể tận dụng các nền tảng mạng xã hội để truyền tải, phân phối nội dung trên đó để thu hút thêm công chúng. Ở đâu có mạng xã hội, ở đâu có công chúng thì báo chí cần tìm mọi cách để xuất hiện, phân phối nội dung ở đó. Nói cách khác, không gian của báo chí Việt Nam cũng được mở rộng hơn trước, không còn bó hẹp trong biên giới Việt Nam nữa.

Đặc trưng quan trọng của thời kỳ này là không còn một cơ quan báo chí nào chỉ tập trung vào một loại hình. Các cơ quan báo chí đã và đang chuyển từ báo chí đơn phương tiện sang báo chí đa phương tiện, đa loại hình, tận dụng mọi nền tảng để phân phối nội dung, chinh phục công chúng. Có thể nói kỷ nguyên số mở ra không gian phát triển vô tận cho báo chí.

PV: Ông cảm nhận thế nào về sự thay đổi của báo chí trong những năm gần đây khi công nghệ và sự cạnh tranh của mạng xã hội bùng nổ? Đài Tiếng nói Việt Nam đã thích nghi và thay đổi thế nào?

Nhà báo Phạm Mạnh Hùng:  Tôi thấy rằng từ các cơ quan báo chí chủ lực của Việt Nam cho đến các cơ quan báo chí có quy mô khiêm tốn hơn đang thích nghi nhanh với xu thế thời cuộc, chuyển từ làm báo đơn phương tiện sang làm báo đa phương tiện, đa nền tảng. Hầu hết các tờ báo đều đã tận dụng mạng internet để mở ra phiên bản báo điện tử hoặc là trang tin. Có thể thấy những cơ quan báo chí có bề dày truyền thống, có tiềm lực về nội dung, kỹ thuật thì cũng là những đơn vị mà nắm bắt được xu thế đổi mới nhanh nhất.

Với Đài tiếng nói Việt Nam thì nòng cốt vẫn là phát thanh, nhưng trong những năm gần đây còn có các loại hình báo chí khác như báo điện tử (VOV.VN, VTC News, VTC Now…). Khối truyền hình của VOV (VTC, VOVTV) cũng có sự chuyển đổi rất mạnh mẽ.

Hiện nay, Đài Tiếng nói Việt Nam đang phát triển 2 ứng dụng cho việc cung cấp nội dung trên nền tảng OTT (thuật ngữ dùng để chỉ việc tận dụng không gian rộng lớn internet nhằm cung cấp cho người dùng các nội dung như hình ảnh, âm thanh, tin nhắn, gọi điện – PV) là App VTC Now – đây là App có sự phát triển rất tốt trong những năm gần đây. Hiện tại, doanh số của App VTC Now đã tăng gấp 10 lần. Ngoài ra, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twiter, Tiktok, Podcast… cũng được các kênh phát thanh của đài tận dụng phân phối nội dung để làm sao tối đa hóa đến mức cao nhất lượng công chúng của mình.

PV:Theo ông, cơ hội và thách thức lớn nhất đối với các cơ quan báo chí nói chung và những nhà báo, phóng viên, biên tập viên, người làm báo trong thời đại công nghệ hiện nay là gì, nhất là đối với những người làm báo trẻ?

Nhà báo Phạm Mạnh Hùng: Như tôi đã nói ban đầu, giai đoạn bùng nổ thông tin trên mạng xã hội nhìn chung cũng tạo ra cú hích tích cực để báo chí tự đổi mới mình, để không bị tụt lại trong quá trình cạnh tranh. Tuy nhiên, bên cạnh những tích cực thì mạng xã hội có rất nhiều thứ mà chúng ta gọi là rác, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, đó là những thông tin xấu, thông tin độc, thông tin sai sự thật, thông tin không kiểm chứng…

Thế nhưng có một thống kê rất thú vị là tất cả mạng xã hội mà phát triển được thì phần lớn đều dựa trên nguồn thông tin từ báo chí chính thống. Nội dung của báo chí chính thống vẫn là chủ đạo trên mạng xã hội, vì thế vai trò của báo chí chính thống là cực kỳ quan trọng trong việc định hướng thông tin. 

Phải xác tín thông tin sự thật một cách nhanh nhất, ngoài yêu cầu xác minh sự thật thì phải đảm bảo tốc độ thông tin, nếu chậm hơn so với mạng xã hội sẽ là tụt hậu.

Cần phát triển các loại hình báo chí có chiều sâu, đòi hỏi sự chuyên nghiệp của các cơ quan báo chí, các nhà báo. Đó có thể là những bài  báo giúp công chúng hiểu bản chất của sự kiện, dự đoán chiều hướng phát triển của sự kiện. Chúng ta vẫn nói lấy những luồng thông tin chính thống, tích cực đẩy lùi những thông tin tiêu cực, xấu độc… đấy là vai trò và sứ mệnh của báo chí.  

Đặc biệt, tôi cho rằng dù có chuyển đổi số, chuyển đổi đa phương tiện, đa loại hình thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Những người làm báo phải được đào tạo lại để nắm được kỹ năng sản xuất nội dung đa phương tiện và nắm được khả năng chinh phục công chúng trên nền tảng phi truyền thống. Các nhà báo, phóng viên phải chuyển và thích nghi từ thói quen làm báo đơn phương tiện sang làm báo đa phương tiện, tính đa phương tiện phải hội tụ trong từng sản phẩm báo chí. Ngoài kỹ năng viết thì phải có kỹ năng chụp ảnh, kỹ năng quay video, kỹ năng dàn dựng, biên tập, hoàn thiện sản phẩm… yêu cầu rất cao so với trước đây.

Bên cạnh đó thì các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên, đội ngũ người làm báo cũng phải có bản lĩnh thật vững vàng, nhanh, nhạy. Hội Nhà báo Việt Nam đã có quy định về đạo đức của người làm báo, tôi cho rằng các cơ quan báo chí cũng phải có quy định riêng cụ thể hóa hơn về quy trình tác nghiệp, đặc biệt là khi chúng ta viết về những vấn đề có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các tổ chức, cá nhân thì phải tuân thủ một quy trình rất chặt chẽ.

Một điều nữa cũng quan trọng là phải đảm bảo được cho người làm báo sống được với nghề, đó là điều kiện rất quan trọng để một số nhà báo, phóng viên không đánh mất mình. Báo chí cũng là một nghề trong xã hội, cũng có những điều tích cực cần phát huy nhưng cũng có những điều tiêu cực chưa được và cần nhìn nhận thẳng vào sự thật để sửa chữa, xử lý có lý có tình, theo quy định pháp luật. Qua đó báo chí sẽ giữ được vị trí, vai trò, thực hiện được sứ mệnh vinh quang mà công chúng đòi hỏi.

PV:Là chủ quản của Tạp chí Người Xây dựng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đang bước sang tuổi 40, ông có lời chúc gì với Tổng hội nói chung và với đội ngũ những người làm báo ở Tổng hội nói riêng?

Nhà báo Phạm Mạnh Hùng: Tổng hội Xây dựng Việt Nam được biết đến là một trong những tổ chức uy tín trong lĩnh vực xây dựng, tập hợp đội ngũ chuyên gia có chuyên môn cao về lĩnh vực xây dựng, quy hoạch trên cả nước. Những năm qua, Tổng hội đã đóng góp, tham mưu các chính sách quan trọng góp phần phát triển ngành xây dựng. Nhân dịp Tổng hội Xây dựng Việt Nam bước sang tuổi 40 tôi xin chúc lãnh đạo Tổng hội cũng như các thành viên sức khỏe và tiếp tục cống hiến, đóng góp những điều tốt đẹp nhất cho ngành xây dựng và xã hội.

Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam xin chúc Tạp chí Người Xây dựng và những đồng nghiệp sức khỏe, thành công, khẳng định được uy tín, vị thế của mình trong lĩnh vực xây dựng.

PV:Xin trân trọng cảm ơn ông về buổi trò chuyện này./.