Tại diễn đàn, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp đổi mới công tác đào tạo báo chí, truyền thông nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí, phục vụ chuyển đối số báo chí.
Đào tạo nhân lực cần đổi mới để phù hợp trong kỷ nguyên số
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn nhận định, hiện nay, sự phát triển của công nghệ trong kỷ nguyên số đã mang lại những cơ hội cũng như cả những thách thức và đang làm thay đổi về cách thức, mô hình việc làm của nhiều lực lượng lao động trong đó có lĩnh vực báo chí, truyền thông. Nhân lực làm việc trong lĩnh vực này không chỉ cần về năng lực chuyên môn cao mà còn cần phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn đạo đức rất cao về tính chính xác, tính độc lập, tính công bằng, tính bí mật, tính nhân văn, tính trách nhiệm và tính minh bạch.
“Trên thực tế, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông đã có nhiều nỗ lực và tích cực đổi mới, tuy nhiên công tác đào tạo vẫn tiến hành theo phương thức truyền thống, đến nay phải “gồng mình” để làm báo chí, truyền thông trong môi trường của thời đại công nghệ số. Kết quả là nhiều sinh viên báo chí ra trường, trở thành nhà báo nhưng chưa được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng cho tác nghiệp báo chí số. Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông cần đổi mới để phù hợp với xu thế phát triển của kỷ nguyên số”, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nêu rõ.
Thạc sĩ Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cũng nêu thực tế, các cơ sở đào tạo đã nỗ lực cung cấp các “sân chơi nghề” cho sinh viên thực hành nghiệp vụ, nhưng nhiều cơ quan báo chí khi tiếp nhận học viên về thực tập hoặc tuyển dụng đều thấy rằng số đông học viên có vẻ khá về lý thuyết và kỹ năng nghề, nhưng kiến thức nền tảng về chính trị, kinh tế, văn hoá… còn rất thiếu và yếu.
“Các cơ sở đào tạo cố gắng tạo “sân chơi nghề” cho các học viên như ra tờ báo, trang web hay kênh phát sóng, tiếp sóng nội bộ. Mục tiêu là làm “bể bơi” cho học viên luyện tập. Có cơ sở đào tạo còn kết nối với các cơ quan báo chí ưu tiên dành “đất” cho học viên có cơ hội “bơi ở bể lớn”. Vì thế, những học viên nào chịu khó rèn luyện trên “thao trường” sẽ trưởng thành nhanh và vào “mắt xanh” của các nhà tuyển dụng ngay từ năm thứ hai, ba trên giảng đường báo chí”, ông Vũ Hải Quang cho hay.
Thế nhưng, kỹ năng mềm – kỹ năng sống trong đào tạo báo chí vẫn còn hạn chế khi kỹ năng sống của nhà báo trẻ thường rất thấp, do đó khi gặp rủi ro không kịp xử lý, nhất là khi tác nghiệp trong thiên tai, địch họa. “Trong nghề báo của chúng ta đã có những ví dụ đau xót về nhà báo trẻ khi tác nghiệp ở vùng thiên tai bị gặp nạn”, ông Quang nói.
Theo ông Vũ Hải Quang, công tác đào tạo nên tập trung vào 3 chữ “K” bao gồm: Kiến thức - Kỹ năng (kỹ năng mềm và cứng) - Kỹ thuật và công nghệ. Trong kỷ nguyên số hiện nay, các nhà báo trẻ cần được đào tạo chuyên sâu và tự học về kỹ thuật, công nghệ, để làm chủ công nghệ và thành thạo các loạt hình thông tin như flycam, livestreaming, chuyển đổi văn bản từ giọng nói, kiểm soát các ứng dụng công nghệ IoT, Big Data, AI… trong quản trị, sản xuất tin bài…
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet chia sẻ, nếu như báo chí truyền thống trước đây theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” thì nay dù làm tốt cũng cần phải biết marketing. Có như vậy mới có thể tồn tại và đối kháng được với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.
“Luôn có 2 nhu cầu về thông tin, bên cạnh nhu cầu thông tin nóng, theo trend thì cũng có nhu cầu thông tin sâu, có tính nhân văn, kết nối. Các công cụ công nghệ có sẵn rồi, quan trọng là kỹ năng xử lý dữ liệu để tạo ra những tin bài có tính kết nối, nhân văn và trung thực. Đây là mảng báo chí cần khai thác để phát triển và tạo sự khác biệt với mạng xã hội. Đây là mảng cần marketing”, ông Tuấn nêu ý kiến.
Về phía các cơ sở đào tạo nhân lực báo chí, PGS-TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền mong muốn có sự đồng hành, kết nối nhiều hơn nữa của cơ quan quản lý, Hội Nhà báo để đảm bảo công tác giáo dục được triển khai hiệu quả và thực tế hơn.
“Mặc dù là 1 trong 9 đơn vị đào tạo ngành báo chí và trong 3 đơn vị được đào tạo bậc cử nhân và thạc sỹ ngành báo chí, chúng tôi vẫn cảm thấy mình phải “tự thân” nhiều trong vấn đề đào tạo. Chúng tôi phải tự mời thầy, mời những nhà báo về chia sẻ kinh nghiệm cho các em, vận động xin các cơ quan báo chí tạo điều kiện cho học viên đi thực tập, kiến tập. Chúng tôi rất mong có sự kết nối của Cục Báo chí hay Hội Nhà báo để việc đào tạo có nhiều thực tiễn tốt hơn”, PGS-TS Nguyễn Thị Trường Giang đề xuất.
PGS.TS Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, Đại học Huế cũng đề xuất Cục Báo chí phối hợp đào tạo trong việc hướng dẫn các quy định pháp luật với báo chí khi hoạt động trong môi trường truyền thông số, cung cấp các bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp để hỗ trợ công tác đào tạo, điều phối công tác phối hợp đào tạo giữa các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông…/.