Sau 2 tháng phát động (14/10 – 15/12), cuộc thi “Tìm hiểu về chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Indonesia và Tổng thống Indonesia Sukarno tới Việt Nam”, do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội tổ chức, đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo thí sinh tham dự.

vov_16_rnpc.jpg
Ban Giám khảo cuộc thi chấm các bài dự thi lọt vào vòng trong cùng.

Nhiều tác phẩm dự thi được đánh giá có chất lượng cao, chứa đựng nhiều thông tin tư liệu quý giá, được viết với những tình cảm đặc biệt của tác giả dành cho 2 vị lãnh tụ - vốn đã đặt nền móng cho mối quan hệ đối tác chiến lược hiện nay giữa Việt Nam và Indonesia.

Cuộc thi diễn ra đúng dịp kỷ niệm 60 năm chuyến thăm lần đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Indonesia (27/2/1959) và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Indonesia Sukarno (24/6/1959); hướng tới các hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày Việt Nam – Indonesia thiết lập ngoại giao vào năm 2020.

Theo bà Nguyễn Thúy Hoa, Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế, Đài TNVN – nơi tiếp nhận các bài dự thi, chỉ trong 2 tháng diễn ra, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người tham dự, ở mọi lứa tuổi, đến từ khắp các vùng, miền của cả nước. Đã có gần 300 bài dự thi có chất lượng cao đã được gửi về Ban tổ chức, trong đó có nhiều bài dự thi ấn tượng đã được gửi về từ rất sớm, với những cách thức trình bày “công phu”.

“Bài thi đầu tiên mà chúng tôi nhận được là của 1 tác giả cao tuổi nhất – 83 tuổi, ở Phú Thọ. Trong bài dự thi, bác đã kể về câu chuyện từ thời làm công tác Đoàn thanh niên và được nghe kể nhiều về chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Indonesia. Ngoài ra, nhiều người trẻ tuổi cũng tham gia cuộc thi này. Người trẻ nhất là 1 nữ sinh viên sinh năm 1998, có nét chữ đẹp và cách thức trình bày khá công phu. Một trường hợp đặc biệt khác là 1 cặp vợ chồng đã cùng nhau tham gia dự thi. Thực sự, có rất nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh những người dự giải lần này”,  bà Nguyễn Thúy Hoa cho biết.

Một số tác phẩm dự thi.

Nhiều bài viết gây ấn tượng tốt với ban giám khảo cuộc thi, chứa đựng nhiều tư liệu lịch sử quý giá không chỉ của 2 chuyến thăm “lịch sử” này, mà rộng hơn là của mối quan hệ Việt Nam – Indonesia. Những bài viết mang đậm dấu ấn tác giả với những tình cảm hết sức đặc biệt, chân thành dành cho 2 vị Lãnh tụ vĩ đại của 2 dân tộc, cho tình bạn của 2 Người làm nền móng cho tình hữu nghị Việt Nam – Indonesia.

Là một giám khảo của cuộc thi, bà Nguyễn Thùy Vân, Phó Trưởng Ban Thời sự (VOV1), Đài TNVN đánh giá: “Chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi có nhiều những tác phẩm rất dầy dặn tham gia dự thi, thể hiện sự đầu tư, nghiên cứu tìm tòi kỹ lưỡng của các tác giả. Những tác phẩm được lựa chọn cho vòng cuối cùng có thể là một nguồn tham khảo quan trọng, quý giá và có độ tin cậy cao. Thông qua cuộc thi này, tôi nghĩ, chúng ta có thể nhân rộng hơn nữa các cuộc thi, đối với các mối quan hệ hợp tác hữu nghị khác, ngoài Indonesia. Bởi như chúng ta đã biết, Việt Nam đang có mối quan hệ hợp tác chiến lược với rất nhiều quốc gia trên thế giới”.

Cuộc thi là cơ hội giúp công chúng tìm hiểu sâu hơn những kiến thức lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; về mối quan hệ với đất nước vạn đảo Indonesia “anh em”; và về cội gốc của mối quan hệ tốt đẹp ngày nay giữa 2 nước, dù tưởng chừng có nhiều khác biệt về văn hóa và tôn giáo.

Cùng với cuộc thi lần này, Đài TNVN trước đó cũng đã tổ chức 1 cuộc thi “Tìm hiểu chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Hồi Chí Minh tới Indonesia” dành cho nhóm đối tượng là công dân Indonesia đang sinh sống tại nước sở tại.

Ông Nguyễn Tiến Long, Trưởng Ban Đối ngoại (VOV5), Đài TNVN, cho biết, thông qua việc tổ chức 2 cuộc thi, Đài TNVN đã thể hiện vai trò tích cực trong việc tô thắm hơn nữa tình hữu nghị giữa Việt Nam và Indonesia, làm sống lại sự kiện lịch sử - hai chuyến thăm của 2 vị lãnh tụ 60 năm trước.

“Đài TNVN có thể nói là đơn vị truyền thông đầu tiên và duy nhất đã khai thác rất sâu sự kiện này, song hành với Bộ Ngoại Giao. Đài TNVN đã làm rất tốt khi phối hợp chặt chẽ với giới ngoại giao, đặc biệt là Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, để sự kiện về 2 chuyến thăm lịch sử thu hút được sự quan tâm của giới ngoại giao, giới báo chí và đặc biệt là của rất đông thính giả của Đài TNVN”, ông Nguyễn Tiến Long nói.

Ngoài ra, qua các cuộc thi, nhiều bạn trẻ Indonesia cũng đã thể hiện sự quan tâm của họ đối với mối quan hệ giữa 2 quốc gia và đặc biệt hơn nữa, họ đang tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn về phong cách và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại mà họ vẫn hay gọi với cái tên trìu mến “Paman Hồ”./.