Sông Trường Giang dài hơn 70 km, chảy dọc bờ biển, qua các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Phía bắc dòng sông, nước đổ ra Cửa Đại, thành phố Hội An; phía Nam đổ ra cửa An Hòa, huyện Núi Thành. Hơn 30 năm trước, khi hệ thống giao thông đường bộ chưa phát triển, sông Trường Giang là tuyến đường thủy huyết mạch của tỉnh Quảng Nam, hàng trăm ghe thuyền chở hàng hóa buôn bán mỗi ngày, nay thì phần lớn con sông này bị bồi lấp. Có đoạn lòng sông chỉ còn vài mét, tàu thuyền không thể lưu thông. Vì thế, tuyến đường thủy nối từ thành phố Hội An đến huyện Núi Thành của tỉnh Quảng Nam bị khai tử.

Nhiều năm qua, người dân địa phương lấn chiếm lòng sông để nuôi trồng thủy sản làm cho sông Trường Giang ngày càng bị biến dạng. Ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết, những năm gần đây, người dân sống hai bên sông Trường Giang chịu nhiều tác động, mùa nắng sông ô nhiễm nặng, mùa mưa dòng thoát lũ bị cản trở, gây ngập lụt kéo dài.

“Dọc ven đê của sông Trường Giang bị ô nhiễm, nhiễm phèn, nhiễm mặn cứ sản xuất giống xuống là bị hư hại. Cử tri xã Bình Hải và các vùng lân cận đã kiến nghị nhiều lần trong việc nạo vét sông Trường Giang để khơi thông dòng chảy, tạo điều kiện cho việc lưu thông, sản xuất, nuôi trồng thủy sản và không gây ảnh hưởng môi trường”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Thời gian gần đây, nhiều đoạn trên sông Trường Giang xuất hiện cá chết hàng loạt vì nước sông ô nhiễm. Hơn chục năm đánh cá trên khúc sông này, nhưng nay ông Nguyễn Đức Hận, xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ tính bỏ nghề vì nguồn lợi thủy sản suy kiệt. Ông Hận bộc bạch, mình và rất nhiều cư dân sống ven Trường Giang mong muốn dòng sông sớm nạo vét để khôi phục nguồn lợi thủy sản.

 “Ý tưởng nạo vét con sông này thì người dân chúng tôi rất hoan nghênh, ủng hộ tinh thần của Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến đời sống nhân dân. Chúng tôi mong muốn làm sao giữ được làng nghề để bà con ngư dân chúng tôi có điều kiện sinh sống”, ông Nguyễn Đức Hận cho hay.

Khơi thông, nạo vét sông Trường Giang vừa giúp hồi sinh dòng sông này, vừa khôi phục lại đường thủy huyết mạch của tỉnh Quảng Nam. Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết, Dự án nạo vét khơi thông sông Trường Giang là dự án đa mục tiêu nên cần khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong quá trình nạo vét sông Trường Giang cần tính đến phương án chuyển dòng và giải pháp cắt lũ để giải quyết bài toán ngập lụt cho các đô thị vùng Đông.

 “Những năm gần đây, tình trạng ngập lụt trên địa bàn thành phố Tam Kỳ thường xuyên xảy ra. Hiện nay, chúng tôi đang rất cần nạo vét lại sông Trường Giang. Trong quá trình nạo vét các dòng sông thì chúng ta phải nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng về mặt sinh thái học và sinh kế cho người dân phải khoa học để không bị tác động về mặt xã hội cũng như các dòng chảy”, Ông Bùi Ngọc Ảnh chia sẻ.

Cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án "Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam" từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Theo quyết định này, UBND tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư thực hiện Dự án nạo vét sông Trường Giang, tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2027. Theo đó, sông Trường Giang sẽ được nạo vét 60km, với luồng đường thủy cấp IV, chiều rộng 30m, sâu 2,4m. Ngoài cam kết về nguồn vốn, Ngân hàng Thế giới sẽ mời các đơn vị tư vấn quốc tế tham gia dự án quan trọng này.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, khơi thông, nạo vét các dòng sông, đầu tư hệ thống hạ tầng hai bên sông và xây dựng các cây cầu bắc qua sông đang được địa phương triển khai khẩn trương: “Từ bài học tại sông Cổ Cò, chúng tôi đã rút kinh nghiệm và có kết hoạch phát triển sông Trường Giang có tầm nhìn dài hạn hơn, có những đánh giá hiện trạng và tư duy chiến lược hơn để phát triển. Mấu chốt ở đây là hiện nay, sông Trường Giang đang còn nguyên sơ, mặc dù có việc lấn chiếm lòng sông của một số hộ dân. Chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đầu tư khai thác một cách đồng bộ, hoàn chỉnh để gia tăng giá trị cao nhất của sông Trường Giang ngay từ bây giờ”.

Người dân Quảng Nam kỳ vọng, trong tương lai gần, sông Trường Giang sẽ trở thành trục xương sống, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đang xây dựng phương án, tạo điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân sống hai bên bờ sông Trường Giang./.