Liên quan đến vụ việc đoàn tàu của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông bị vẽ bậy vào đêm 25/12/2017, đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, đến nay các cơ quan chức năng chưa xác định được thủ phạm gây ra việc trên. Tuy nhiên, hiện đơn vị sản xuất đoàn tàu trên đang thực hiện việc sơn tẩy, khôi phục màu sắc của đoàn tàu như đúng với thiết kế.
Theo Ban quản lý dự án cho biết, việc xóa hình vẽ bậy trên tàu đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ được giám sát chặt. Biện pháp khôi phục màu sắc, bằng cách thay đề can hoặc sơn tẩy, do đơn vị thi công chủ động và có sự giám sát của tư vấn giám sát dự án
"Tổng thầu dự án đã mời đơn vị sản xuất đoàn tàu từ bên Trung Quốc sang dự án để khôi phục lại màu sắc theo thiết kế ban đầu. Ban Quản lý dự án đã giao nhà thầu tư vấn giám sát kiểm tra, giám sát việc khôi phục màu sắc trên. Sau khi hoàn thành có nghiệm thu và báo cáo Ban QLDA", ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng phòng Quản lý dự án 2 của Ban QLDA đường sắt thông tin.
Ông Phương cũng cho biết, hiện đoàn tàu trên vẫn đỗ tại ga Cát Linh, Ban QLDA để Tổng thầu chủ động thời gian triển khai, không ép tiến độ hoàn thành việc khôi phục màu sắc đoàn tàu.
Trao đổi với báo chí ngày 05/2, ông Vũ Hồng Phương, Phó Ban QLDA đường sắt cho biết, tổng thầu Trung Quốc đang tiến hành xóa các bức vẽ bậy trên tàu Cát Linh - Hà Đông.
Việc tẩy xóa, sơn lại các toa tàu do tổng thầu Trung Quốc chịu toàn bộ chi phí do sự cố xảy ra khi dự án chưa hoàn thành và bàn giao. Tổng thầu phải có trách nhiệm khôi phục lại nguyên trạng màu sơn của tàu đường sắt.
"Sau khi tẩy, sơn xong, tổng thầu phải báo cáo Ban và Bộ GTVT. Sau đó, Ban QLDA sẽ kiểm tra lại", ông Phương cho hay.
Ông Vũ Hồng Phương cho biết thêm, sau khi sự cố xảy ra, Ban đã yêu cầu tổng thầu tăng cường tại các ga. Bên cạnh đó, Ban cũng có văn bản gửi Công an Hà Nội, công an các quận có dự án chạy qua hỗ trợ, đảm bảo an ninh.
Trước đó, ngày 26/12/2017, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện hình ảnh đoàn tàu của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bị sơn vẽ lên lòe loẹt bằng sơn xanh, đỏ trên sườn và đầu tàu. Hình vẽ cho thấy giống như kiểu vẽ tạo chữ Graffiti thường được giới trẻ vẽ trên các bức tường nơi công cộng.
Ngay sau đó, Ban QLDA đường sắt làm việc với tổng thầu về vấn đề trên, đồng thời báo cáo Bộ GTV, đề nghị cơ quan công an điều tra, làm rõ đối tượng vẽ lên tàu để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Nhận được báo cáo, Bộ GTVT đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tổng thầu vì để xảy ra sự cố trên. Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định tàu Cát Linh - Hà Đông là tài sản quốc gia. Việc đột nhập vào công trường là hành vi vi phạm pháp luật.
Bộ GTVT chỉ đạo Ban quản lý đường sắt làm rõ trách nhiệm của tổng thầu EPC.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Sau nhiều lần chậm tiến độ, dự án chính thức khởi công năm 2011, tổng số vốn lên đến hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng).Sau nhiều lần bị chậm tiến độ, mới đây, Ban quản lý Đường sắt cho biết dự kiến tàu sẽ được chạy thử vào 2/9 và tiến hành khai thác thương mại vào cuối năm 2018./.
Thực hư việc chi 1 triệu USD sơn lại tàu Cát Linh – Hà Đông
Được “bơm” đủ tiền, đường sắt Cát Linh-Hà Đông không thể chậm trễ
Tàu đường sắt Cát Linh Hà Đông bị vẽ bậy: Ai đáng bị xử lý?
Công an vào cuộc vụ đoàn tàu trên cao Cát Linh-Hà Đông bị vẽ bậy
Mời công an điều tra vụ tàu Cát Linh Hà Đông bị vẽ bậy
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông tiếp tục bị lùi tiến độ đến cuối 2018