Ngày 22/12, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp với Ban QLDA đường sắt và Tổng thầu Trung Quốc để rà soát, thúc đẩy tiến độ thực hiện Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

cl8_cfkl.jpg
Sau nhiều lần đội vốn, tuyến đường sắt trọng điểm Cát Linh - Hà Đông hết lần này đến lần khác "khất" vận hành thử nghiệm và tiến độ hoàn thành.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc Ban QLDA đường sắt, cho biết, hiện khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành 95%. Trong đó, toàn bộ các trụ, dầm cầu trên cao; kết cấu và kiến trúc của 12 nhà ga; mặt bằng và kết cấu chính của 15/16 đơn thể kiến trúc khu Depot; đường ray tuyến chính, tuyến nhánh và trong khu Depot; tường chống ồn và các hạng mục khác trên khu gian đã hoàn thành.

Khối lượng còn lại 5% gồm hoàn thiện các đơn thể và hạ tầng khu Depot; hoàn thiện một số công việc còn lại của nhà ga do liên quan đến lắp đặt thiết bị (lan can, trần, sàn tĩnh điện, cửa…).

Công tác sản xuất, chế tạo toàn bộ 13 đoàn tàu đã xong. Đến nay đã vận chuyển về đến công trường 9 đoàn tàu, còn lại 4 đoàn tàu đang được vận chuyển về theo kế hoạch. 60% khối lượng thiết bị đã được nhập khẩu về công trường; 40% khối lượng đã được lắp đặt (thông tin, tín hiệu, cấp điện, ray tiếp xúc, chiếu sáng…). Cơ bản đã hoàn thành công tác đào tạo nhân lực.

Toa tàu được chạy "nháp" vào ngày 28/9.

Theo ông Phương báo cáo, trong năm 2017, dự án luôn đảm bảo an toàn, không xảy ra sự cố. Trên toàn tuyến không còn hệ thống hàng rào thi công chiếm dụng lòng lề đường, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân khu vực dự án.

Về công tác chuyển giao, hiện Tổng thầu mới trình nộp kế hoạch vận hành sơ bộ, chưa trình nộp kế hoạch vận hành khai thác chi tiết, quy trình bảo dưỡng và các tài liệu liên quan. Ban QLDA Đường sắt đang yêu cầu Tổng thầu xây dựng kế hoạch hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác chi tiết cho dự án để các bên liên quan chuẩn bị thực hiện tham gia phần việc của mình.

Về Hiệp định vay vốn bổ sung 250 triệu USD, ông Vũ Hồng Phương cho biết, Hiệp định vay vốn bổ sung được Bộ Tài chính và Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (CEB) ký kết ngày 11/5/2017. Bộ Tư pháp đã thống nhất và ký văn bản “Ý kiến pháp lý của Hiệp định” cho CEB, Bộ Tài chính hoàn tất các thủ tục và gửi CEB.

Tuy nhiên đến nay, phía Ngân hàng CEB vẫn đang xem xét và chưa có văn bản chính thức thông báo Hiệp định đã có hiệu lực. Ban QLDA đề nghị Bộ GTVT làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam thúc đẩy CEB sớm có thông báo Hiệp định có hiệu lực để giải ngân cho dự án.

Báo cáo với Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Đường Hồng, đại diện Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu dự án) cho biết: Hiện nay Tổng thầu đã ứng 65 triệu USD vốn lưu động, đang thiếu nhà thầu Việt Nam 600 tỷ đồng, khó khăn về dòng tiền. Trong khi chưa giải ngân được 250 triệu USD vốn bổ sung, Tổng thầu cam kết tiến độ cuối cùng là tháng 11/2018 đưa vào khai thác thương mại.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhiều lần gây thất vọng cho người dân Thủ đô vì tiến độ "rùa".

Ông Đường Hồng kiến nghị các cơ quan liên quan của Việt Nam tiếp tục phối hợp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho Tổng thầu trong công tác đăng kiểm thiết bị; phê duyệt thủ tục hoàn công, thanh quyết toán; lắp đặt hệ thống thiết bị điện... để đảm bảo mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác vào cuối năm sau theo cam kết.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá: Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là dự án lớn, khi hoàn thành sẽ tạo dấu ấn lớn về tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Đặc biệt, dự án giúp cho TP. Hà Nội giải quyết một phần về giao thông công cộng, trong khi ùn tắc giao thông hiện đang là vấn đề lớn tại các thành phố lớn của Việt Nam.

“Dự án có ý nghĩa rất lớn về kinh tế - xã hội, chính trị, do đó chúng ta phải có trách nhiệm sớm hoàn thành dự án này. Tôi đề nghị các đồng chí dự họp tập trung đề ra những giải pháp cụ thể để kết thúc dự án, không thể kéo dài mãi vì Quốc hội, người dân rất trông chờ vào dự án này”, ông Thể nói.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông (người phụ trách dự án) có buổi làm việc trực tiếp với Đại sứ quán Trung Quốc, Bộ Tài chính, các bên liên quan để hỗ trợ để Hiệp định có hiệu lực, đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn bổ sung cho dự án; làm việc với TP. Hà Nội rà soát việc kết nối tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông với các phương tiện vận tải khác trong khu vực để nâng cao hiệu quả khai thác tuyến.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp làm việc để dự báo, có kế hoạch giải quyết những vướng mắc có thể xảy ra; làm việc với UBND TP. Hà Nội trong chuyển giao, vận hành, đảm bảo an toàn trong khai thác dự án.

Về tổng thầu, Bộ trưởng GTVT yêu cầu và đề nghị lãnh đạo cao nhất của Tổng thầu cam kết tuân thủ kế hoạch tiến độ điều chỉnh lần này với Bộ GTVT để trình Chính phủ xem xét quyết định.

Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo các bên liên quan có chiến lược truyền thông, tổ chức họp báo cung cấp thông tin chính xác để các cơ quan truyền thông và người dân hiểu được bản chất việc chậm trễ tiến độ dự án cũng như quyết tâm năm 2018 phải hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến, tránh dư luận không tốt về dự án này.

Theo ông Thể, sẽ chấp thuận việc lùi tiến độ dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông sang năm 2108. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định phải sớm kết thúc dự án, không thể kéo dài thêm vì Quốc hội, người dân đang ngóng chờ./.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Điểm đầu tuyến tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Quốc lộ 6).

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thực hiện từ tháng 11/2008 và dự kiến đến tháng 11/2013 hoàn thành, với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD.

Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ, đến tháng 10/2011 mới chính thức triển khai và điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng), sau 2 năm chậm tiến độ dự án đã bị đội giá thêm 339,1 triệu USD (tương đương 7.000 tỷ đồng, gần 40%).

Với vốn vay từ Trung Quốc, mỗi ngày dự án phải trả lãi hơn 1,2 tỷ đồng. Số lãi này chưa tính vốn góp 198 triệu USD từ ngân sách để thi công dự án. Như vậy, nếu gia hạn thêm 11 tháng, số tiền lãi vay đã là 396 tỷ đồng; nếu tính dự án chậm trong 3 năm, số tiền đội lên sẽ hơn một nghìn tỷ đồng./.