Chiều 15/12, sau khi nhận được thông tin các thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia- Thu Bồn tăng lưu lượng xả lũ, bà con vùng B huyện Đại Lộc, nơi được xem là vùng “ rốn lũ” của tỉnh Quảng Nam lùa bò chạy lũ.
Phải vất vả lắm bà Phan Thị Tí, 61 tuổi, ở thôn Bàu Tròn, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam mới lùa được con bò từ nhà ra cầu Quảng Huế. Cây cầu này bỗng dưng trở thành nơi lánh nạn cho hàng trăm con bò của người dân địa phương. Dưới chân cầu là vùng rau Bàu Tròn ngập chìm trong biển nước. Bà Tí than vắn thở dài, tối qua mới lùa bò lên cầu này, sáng thấy nước rút nên lùa về, không ngờ trưa nay nước lên trở lại. "Mấy ông thủy điện xả lũ liên tục kiểu ni dân chỉ có chết. Nhà neo người nên cứ mỗi lần thấy nước lên là bà thót tim" bà Tí kêu.
Bà Phan Thị Tí than thở: “Nước lũ xuống sợ vô ngập chết bò phải dắt ra cầu chứ làm răng chừ. Cầu thì nhỏ mà bò thì nhiều, ai cũng phải dắt ra đây hết. Tại vì 2 thôn mà”.
Khu vực cầu Quảng Huế đang bị chia cắt. Đây là một trong những vùng trũng thấp nhất của huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Cánh đồng Bàu Tròn dưới chân cầu vừa trải qua trận lũ nhấn chìm 47 ha rau màu của bà con.
Ông Ngô Văn Năm, người dân trong thôn cho biết, các loại rau, quả bà con trồng để bán trong dịp Tết Nguyên đán bị cuốn trôi sạch: “Thiệt hại hết luôn chớ không còn chi nữa, bởi vì vùng ni chủ yếu là rau sạch, đợt trước đã trồng hết rồi nước vô hư, bà con họ trồng lại bây giờ nước vô hư tiếp”.
Thống kê của huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, đợt lũ này làm hư hại hơn 1.000 ha rau màu. Như vậy, chỉ trong vòng nửa tháng 12 này, lũ đã nhấn chìm 2.200 ha rau màu của bà con chuẩn bị bán dịp Tết.
Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đã nhận được thông báo xả lũ của các thủy điện đầu nguồn nên lập tức thông tin đến các địa phương, người dân biết để phòng tránh: “Hiện nay mực nước tiếp tục dâng lên, và các nhà máy thủy điện tiếp tục xả lũ. Hiện nay, có nhà máy xả lũ với mức 1.000 m3/ giây. Như vậy khả năng rút nước rất lâu, và như vậy sẽ gây khó khăn cho nhiều vùng đang bị cô lập, nhất là một số vùng trũng thấp bị cô lập hoàn toàn, đi lại rất khó khăn như vùng B và vùng A của Đại Lộc”./.