Xóa sổ nghĩa trang thôn TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, nghĩa trang trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện tồn tại 3 không: không quy hoạch, không dịch vụ và không biết khi nào phải di dời. Do vậy, quy hoạch cần phải quan tâm hơn đến hệ thống nghĩa trang hình thành tự phát xen kẽ trong khu dân cư, vì các nghĩa trang này không đáp ứng yêu cầu về quản lý, dịch vụ và môi trường.

Theo Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, đa số các nghĩa trang cấp quốc gia và TP đều được xây dựng cách đây 40 - 50 năm, không có hệ thống xử lý nước rỉ nghĩa trang (trừ nghĩa trang Thanh Tước). Còn các nghĩa trang xã, thôn xây dựng không theo quy hoạch, nằm rải rác ở các thôn, xóm theo cụm dân cư, xen kẽ đất trồng lúa, hoa màu, có nghĩa trang còn nằm ở khu vực ngập úng, khu đất xói mòn ven sông, nguy cơ gây ảnh hưởng môi trường…

nghia-trang.jpg
Nghĩa trang Lạc Hồng Viên ở Kỳ Sơn, Hòa Bình, cách trung tâm Hà Nội hơn 50km

Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 đã xác định các dự án ưu tiên theo từng giai đoạn. Cụ thể, từ nay đến năm 2015: Ưu tiên xây dựng 2 cơ sở hỏa táng tại nghĩa trang Thanh Tước và nghĩa trang xã Xuân Nộn (Đông Anh), xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ 2 giai đoạn I, xây dựng nghĩa trang Minh Phú (Sóc Sơn), hoàn thiện 7 dự án nhà tang lễ; giai đoạn từ 2016 - 2020: thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo các nghĩa trang và nhà tang lễ còn lại theo đúng phân kỳ đầu tư. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện từ nay đến 2050 là 32.779 tỷ đồng.

Cùng với xây mới các nghĩa trang, Hà Nội từng bước đóng cửa các nghĩa trang tập trung trong vòng 3 năm tới. Các nghĩa trang phân tán, có quy mô nhỏ hoặc không nằm trong quy hoạch chung của thành phố sẽ phải dần dần đóng cửa, trồng cây xanh cách ly.

Dân nghèo không đủ tiền mua đất Trước tình trạng quá tải của các nghĩa trang ở nội thành, mấy năm gần đây, nhiều gia đình có xu hướng tìm đến những công viên nghĩa trang do các doanh nghiệp đầu tư. Ngoài công viên Vĩnh Hằng ngay bên cạnh nghĩa trang Yên Kỳ - Bất Bạt ở Ba Vì, thì Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên ở Kỳ Sơn, Hòa Bình, cách trung tâm Hà Nội hơn 50km, do Cty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Toàn Cầu đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, trên diện tích 98ha của 9 quả đồi, có thể tiếp nhận hàng trăm nghìn mộ. Tại đây, các khu được chia lô, phân khu rõ ràng và có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, môi trường hiện đại. Chi phí cho 1 mộ đơn khoảng 15 triệu đồng, khu khuôn viên cho cả dòng tộc, gia đình, diện tích lớn hàng tỷ đồng.

Công viên nghĩa trang là mô hình mà các nước trong khu vực và trên thế giới đã làm từ lâu. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ kinh tế, các chuyên gia cho rằng, các công viên nghĩa trang tuy rất đẹp nhưng giá quá đắt nên chỉ người giàu mua được. Nếu không quản lý chặt chẽ, các doanh nghiệp sẽ “tự tung tự tác” về giá, đồng nghĩa người dân nghèo đô thị không thể tiếp cận được, vô hình chung gây nên áp lực cho Thủ đô. Và việc mọc lên các nghĩa trang tự phát tại địa phương là điều khó tránh khỏi.

Đại điện Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận, thời gian qua, trên địa bàn TP đã có 1 doanh nghiệp tham gia xã hội hóa và kinh doanh công viên nghĩa trang. “Chúng tôi sẽ kiểm soát việc này. Sắp tới, xã hội hóa sẽ theo khuôn khổ, quy định của Nhà nước chứ không để doanh nghiệp “tự tung tự tác” - vị này nhấn mạnh./.

Hà Nội hiện có 2.362 nghĩa trang với quy mô 2.740ha, trong đó có 6 nghĩa trang tập trung (Yên Kỳ, Vĩnh Hằng, Thanh Tước, Mai Dịch, Văn Điển, Sài Đồng), 3 nghĩa trang tập trung huyện (Hà Đông, Sơn Tây và Xuân Đỉnh) và 2.353 nghĩa trang thôn, xã./.