Mạnh lên từ áp thấp nhiệt đới gần bờ, bão số 4 được dự báo sẽ đổ bộ đất liền từ tối, đêm 12/9 và rạng sáng ngày 13/9 bờ biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. Bão khi đổ bộ ở đầu cấp 8, giật cấp 9, cấp 10, kèm theo gió mạnh và mưa lớn. 

vov_baox_dhtw.jpg
Đảm bảo an toàn tính mạng người dân trước, trong và sau bão.

Tại cuộc họp, đại diện Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho rằng, hiện số lượng tàu thuyền trên biển còn nhiều, vì vậy các địa phương phải quyết liệt trong kêu gọi tàu thuyền, hướng dẫn ngư dân vào bờ neo đậu tàu thuyền an toàn hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Để hỗ trợ địa phương, lực lượng cứu hộ, cứu nạn và quân đội đã triển khai xuống các điểm xung yếu sẵn sàng phối hợp với các địa phương ứng phó khi tình huống xấu xảy ra.

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết: "Các lực lượng trên địa bàn như quân khu 5, quân đoàn 3 và một phần quân khu 7, lực lượng hải quân, cảnh sát biển và biên phòng đã triển khai các phương án để hỗ trợ lực lượng địa phương. Đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp để phối hợp hiệp đồng thông tin kịp thời diễn biến mưa lũ để kịp thời ứng phó tình huống xấu giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong thiên tai". 

Các thành viên Ban chỉ đạo cũng đề nghị các địa phương trong khu vực ảnh hưởng bão số 4 phải đặc biệt đề phòng mưa lũ lớn do hoàn lưu bão gây ra. Đặc biệt với địa hình dốc ở khu vực miền Trung phải đề phòng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ông Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: các địa phương không chủ quan trong ứng phó thiên tai; khẩn trương rà soát các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” tại các điểm xung yếu, đảm bảo an toàn tính mạng ngư dân trên biển và trên đất liền trước trong và sau bão.

Về sản xuất, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, cần đề phòng mưa lớn ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, khẩn trương đôn đốc thu hoạch lúa hè thu, lúa mùa cuối vụ, có phương án cụ thể chằng chống nhà dân và các công trình trọng điểm. 

Đại diện Bộ đội biên phòng - các lực lượng đang tiếp tục kêu gọi tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ông Nguyễn Xuân Cường lưu ý, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia liên tục cập nhật diễn biến mưa, lũ phối hợp với cơ quan truyền thông thông tin đến mọi người dân, giúp các thành viên Ban chỉ đạo và địa phương chủ động phương án ứng phó.

Ông Cường nói: "Rút kinh nghiệm trong cơn bão số 1, số 2 và số 3 gây mưa lũ, sạt lở đất không chỉ gây thiệt hại lớn về vật chất mà còn thiệt hại lớn về người".

"Vì vậy, các địa phương miền núi cần phải đặc biệt đề phòng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, đồng thời tại các ngầm, tràn, đập thủy lợi phải có người cảnh báo nhân dân không đi lại trong thời điểm xảy ra mưa lũ. Các lực lượng cứu hộ cứu nạn, kiểm ngư, bộ đội biên phòng và các địa phương phải sẵn sàng cao nhất phương án cứu hộ trên biển và đất liền", ông Cường nhấn mạnh. 

Ứng phó với áp thấp nhiệt đới, một số địa phương như: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi đã thực hiện lệnh cấm biển. Tính đến trưa 12/9, các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã thông báo cho 68.975 tàu, với 301.847 người biết vị trí hướng di chuyển của bão số 4 để chủ động phòng tránh./.