Trong khi nhiều tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã có những chuyến đưa đón công dân tỉnh mình từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê, thậm chí bằng máy bay, thì hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk hiện vẫn chưa có giải pháp cụ thể để đón công dân về. Trong khi đó, hàng ngàn người từ các tỉnh phía Nam vẫn đang ngược Quốc lộ 14 tiếp tục đổ về Tây Nguyên qua Đắk Nông, Đắk Lắk.
Chốt Cây Chanh đóng tại xã Đăk Ru, huyện Đăk Rlấp, tỉnh Đắk Nông, “cửa ngõ” vào Tây Nguyên, hiện trung bình mỗi ngày đón khoảng 5.000 người đi xe máy về từ các tỉnh phía Nam. Trong đó riêng về Đắk Nông có khoảng 1.000 người. Nói về kế hoạch vào vùng dịch đưa công dân về tỉnh thay vì để họ tự do đi về, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát số lượng người, đồng thời trao đổi với phía thành phố để có kế hoạch cụ thể. Tỉnh đã có trao đổi với cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh nắm số người dân có nhu cầu trở về, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Trước dòng người từ vùng dịch về địa phương tăng cao, hôm qua (28/7), UBND huyện Đăk RLấp đã có văn bản khuyến cáo công dân đang sinh sống làm việc tại Bình Dương “ở yên tại chỗ” trong thời gian giãn cách xã hội. Nếu tự về Đắk Nông, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về các chi phí như xét nghiệm, cách ly y tế, ăn ở, đi lại... Ngay lập tức, văn bản này đã bị UBND tỉnh Đắk Nông “tuýt còi”. Sáng nay 29/7, sau khi trực tiếp làm việc tại huyện Đăk Rlấp và đi kiểm tra công tác chống dịch tại chốt Cây Chanh, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, thông tin qua điện thoại cho biết, do chưa thể chủ động đi đón công dân trong vùng dịch, các lực lượng chức năng địa phương đang tiếp tục kiểm soát tạo điều kiện cho dòng người về quê.
"Tới đây (chốt Cây Chanh) là sẽ phân luồng rõ, khách nào đoàn nào đi ngang qua Đắk Nông thì sẽ có xe cảnh sát giao thông áp tải về tới Đắk Lắk và tiếp tục tuyến đường. Những lúc trên đường đi lương thực thực phẩm không có mà trúng giờ giấc thì sẽ có các điểm hỗ trợ lương thực, nói chung là tỉnh tạo mọi điều kiện tối đa. Còn lại là phân luồng xanh cho người về Đắk Nông, sẽ lấy mẫu xét nghiệm ngay và đưa về khu cách ly, chờ đến khi có kết quả âm tính thì sẽ họ được về nhà cách ly theo quy định"- lãnh đạo tỉnh Đắk Nông nói.
Với tỉnh Đắk Lắk, từ tuần trước, tỉnh đã có kế hoạch đón 500 công dân từ vùng dịch về địa phương. Trong đó, tỉnh phân rõ các đối tượng ưu tiên đang gặp khó khăn ở những vùng bị phong tỏa. Chỉ trong vài ngày, tổng hợp báo cáo từ các địa phương và các kênh đăng ký trên website, đã có khoảng 10.000 người trong các vùng dịch đăng ký về quê. Tuy vậy, theo bà H’Yim Kdoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện tỉnh đang tập trung dập dịch, truy vết rất vất vả, nhu cầu cách ly tập trung rất lớn, nên cũng khó bố trí thực hiện ngay việc đi đón công dân từ các tỉnh.
Bà H’Yim phát biểu: "Hiện nay tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16 nên rất vướng, thứ hai nữa là tình hình dịch bệnh trong tỉnh tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp, như vậy cũng rất khó để đảm bảo an toàn cho người dân về. Hiện tỉnh đang tập trung hết tất cả mọi nguồn lực cho công tác điều trị, chăm sóc, theo dõi những người là bệnh nhân và F1, F2"- bà H’Yim cho biết.
Hiện cả tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk đều đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống dịch covid-19. Trong đó, Thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), Thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) và một số địa phương đã phải phong tỏa theo Chỉ thị 16, phát phiếu đi chợ cho người dân vài ngày 1 lần. Ưu tiên chống dịch tại địa bàn là lý do chủ yếu khiến các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk chưa thể chủ động việc đưa công dân về từ vùng dịch. Các địa phương này vẫn phải thực hiện các biện pháp tình thế để đón dòng người đang tự phát đi xe máy về quê./.