Như VOV đã phản ánh, việc Công ty Cà phê Phước An và Công ty Cà phê Phước Sơn ở huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk sang nhượng trái phép hàng chục hồ thủy lợi cho tư nhân, gây bức xúc dư luận trong nhiều năm qua. Mặc dù Thanh tra tỉnh đã kết luận việc làm này là sai, nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết thỏa đáng. UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có kết luận về vấn đề này.
Theo kết luận của UBND tỉnh Đắk Lắk, việc Công ty Cà phê Phước An sang nhượng 10 công trình thủy lợi cho tư nhân là không đúng với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
UBND tỉnh yêu cầu Công ty này thu hồi và bàn giao 10 công trình thủy lợi cho địa phương quản lý. Đồng thời, Công ty phải sử dụng vốn tự có để trả lại cho các hộ đã nhận sang nhượng theo giá trị hợp đồng đã ký trước đó. Đối với Công ty Cà phê Phước Sơn, trong quá trình lập thủ tục giải thể (năm 2007) đã sang nhượng 2 công trình thủy lợi cho 3 hộ dân, không đúng với phương án giải thể đã được phê duyệt.
UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Krông Pách làm việc với 3 hộ đã nhận chuyển nhượng, tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi, đồng thời tạm ứng ngân sách huyện để trả lại cho các hộ này.
UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ, kiểm điểm những sai phạm của mình và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/8/2013. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây là các công trình thủy lợi này đã được sang nhượng cho người dân bằng việc thiết lập hợp đồng dân sự, quy định quyền và nghĩa vụ các bên, nhưng theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh thì việc thu hồi các hồ đập này bằng biện pháp hành chính thì rất khó thực hiện.
Theo Luật sư Tạ Quang Tòng - Trưởng văn phòng Luật sư THT, tỉnh Đắk Lắk thì vấn đề này phải được tòa án xem xét thông qua một vụ kiện dân sự, để vô hiệu hóa các hợp đồng đã ký kết trái pháp luật. “Tôi cho rằng, việc thu hồi các hồ thủy lợi là hoàn toàn đúng đắn, nhưng phải có ai đó chịu trách nhiệm với việc làm không đúng của mình. Nông dân thì không dám đứng ra kiện, nhưng phải có tổ chức nào đó, ví dụ như Hội nông dân cấp xã, cấp huyện hoặc Chi cục Thủy lợi là đơn vị quản lý nhà nước về hồ đập, đứng ra khởi kiện, yêu cầu thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự đối với các hợp đồng này. Tức là hợp đồng này bán mà không đúng với pháp luật thì được tuyên vô hiệu, ai đã nhận cái gì thì trả lại cái nấy”- Luật sư Tòng nói.
Trong lúc chờ đợi chính quyền và ngành chức năng thu hồi thì các công trình thủy lợi này đang xuống cấp nghiêm trọng. Ông Phạm Tiến San, Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Đắk Lắk) cho biết việc Công ty cà phê Phước An và Công ty Cà phê Phước Sơn sang nhượng hồ đập thủy lợi cho tư nhân ở huyện Krông Pách để nuôi cá không chỉ gây bức xúc trong việc sử dụng nước tưới tiêu, mà còn gây nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.
Qua kiểm tra cho thấy, các hộ tư nhân này không có chuyên môn về thủy lợi và cũng không đủ năng lực tài chính để đầu tư nâng cấp, sửa chữa, thậm chí còn xâm hại đến bờ đập. Vì vậy, chính quyền địa phương cần thu hồi các công trình thủy lợi này để bàn giao cho các cơ quan chức năng quản lý càng sớm càng tốt./.