Khi phong tỏa cảng cá Thọ Quang, 327 ngư dân đã vào cảng phải ở luôn dưới tàu. Một số tàu khác không có người ở trên tàu nên bị chìm, hư hại. Hiện nay, các sở ngành liên quan vẫn chưa có cách ứng xử cụ thể đối với những ngư dân và tàu thuyền neo đậu tại đây.

Thành phố Đà Nẵng đã quyết định tạm dừng hoạt động cảng cá nửa tháng nay, theo đó Ban Quản lý Cảng cá âu thuyền Thọ Quang không cho phép ai ra vào. Hiện, trong cảng cá này có 411 chiếc tàu đang neo đậu, trong đó 274 chiếc của ngư dân Đà Nẵng. Tại âu thuyền hiện có 327 ngư dân đang ở dưới tàu cá. Các ngư dân này đều chấp hành những quy định về phòng chống dịch và không rời khỏi tàu.

Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho rằng, nếu cứ để bà con ở dưới tàu mãi như thế này cũng gây ra nhiều khó khăn. Hàng ngày, quận Sơn Trà phải mua thực phẩm giúp họ. Theo ông Nguyễn Phú Ban, hầu hết các ngư dân này đều ở ngoài biển nửa tháng, khi vào cảng đã được test nhanh cho kết quả âm tính, có thể đưa họ về địa phương cách ly tại nhà.

"Hành trình họ đi mười mấy ngày trên biển, chúng tôi đều có hành trình đó, đề nghị cho họ cập cảng. Người Đà Nẵng thì cho họ cách ly tại địa phương khi chúng ta đã test nhanh, chứ còn cách ly tập trung thì Sở Nông nghiệp không thể tìm chỗ, không làm được", ông Ban nói.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đề nghị, đối với 327 ngư dân này thì chỉ mỗi tàu cho 1 người ở lại giữ tàu còn lại phải đi cách ly tập trung. Theo bà Yến, Lãnh đạo thành phố đã thống nhất như vậy, không hiểu sao đến nay vẫn chưa quyết định cho họ đi cách ly. Còn đối với những người từ vùng biển chuẩn bị về bờ nếu Ban Quản lý Cảng cá âu thuyền Thọ Quang xác định và cam kết chịu trách nhiệm về việc họ không đi vào vùng dịch thì tổ chức xét nghiệm và quyết định hình thức cách ly. Bà Ngô Thị Kim Yến cho biết, nguyên tắc ứng xử đối với những ngư dân cũng giống như đối với người đi từ đường bộ về.

 "Không có ai có thể kiểm soát được bằng Ban Quản lý cảng cá, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các anh mới là người đánh giá rõ và phối hợp, về chuyên môn y tế thì chúng tôi sẽ phối hợp. Tuy nhiên, phải đánh giá rất là rõ và chịu trách nhiệm về cái đánh giá của mình. Cụ thể là đánh giá tàu đó khi ra ngoài khơi có tiếp xúc với nguồn nào không. Nếu ra ngoài khơi một mình đánh cá 15 ngày thì yên tâm rồi. Nhưng điều đó có khẳng định hay không thì phía ngành Nông nghiệp phải khẳng định và có cam kết", bà Yến cho biết.

Theo Thượng tá Nguyễn Thành Đính, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng, hiện còn vướng vấn đề cách ly ngư dân từ ngoài biển vào. Rất cần có ý kiến cụ thể của ngành y tế là cách ly ở đâu, cách ly như thế nào?. Do vướng quy định không được đi lại nên từ ngày 3/8 đến nay, 3 tàu đã bị chìm khi ngư dân đã rời tàu mà không được quay lại, giá trị tài sản mất mát rất lớn đối với bà con.

Trong đó, 1 tàu cá xa bờ của ngư dân Quảng Ngãi gây sự cố tràn dầu, các đơn vị chức năng phải phối hợp xử lý. Hiện đa số tàu cá của ngư dân là tàu gỗ, nước ngấm vào vỏ tàu. Vì vậy, cứ 2 đến 3 ngày ngư dân phải bơm nước ra khỏi tàu 1 lần. Khi ngư dân rời tàu thì đóng cửa cabin, hầm máy.

Máy tàu của ngư dân chỉ có họ mới khởi động được máy để bơm nước, không lực lượng nào có thể thay họ làm được việc này. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng vẫn còn lúng túng khi xử lý các tàu cá đang neo đậu trong âu thuyền Thọ Quang.

"Biên phòng yêu cầu bà con có đơn trình bày gửi lên UBND phường và quận để phường, quận trình Ban Chỉ đạo; Đồng thời UBND quận Sơn Trà nên cấp 1 giấy cho bà con đi đường riêng. Cứ 2 hoặc 3 ngày chỉ có xuống tàu và bơm nước ra, mở một đường đi riêng để có phương tiện đón ra tàu của họ. Tôi nghĩ giải pháp này sẽ giải quyết được", Thượng tá Nguyễn Thành Đính cho hay./.