Tại thành phố Đà Nẵng, nhiều khu nhà tập thể xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nhưng người dân chưa chịu di dời. Trước thực trạng này, UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo khẩn cấp di dời các hộ đang sống trong các khu nhà tập thể nhằm đảm bảo tính mạng cho người dân. 

vov_da_nang_1_vjri.jpg
Khu nhà tập thể xuống cấp mức độ nguy hiểm cấp D được xây dựng từ trước năm 1975

Khu nhà tập thể số 50-52 đường Lê Lai ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng được xây dựng từ thời Pháp đã hơn 100 năm. Đây là nơi sinh sống của 9 hộ gia đình, nhiều thế hệ với hàng chục nhân khẩu. Đa số bà con ở đây thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Bà Ngô Thị Thúy Minh cho biết, 8 người trong gia đình bà sống ở đây hàng chục năm nay. Mọi sinh hoạt của 3 thế hệ trong gia đình gói gọn trong căn phòng tập thể xuống cấp nghiêm trọng. Tường nhà thấm mốc, trần bong tróc lộ cả sắt bị rỉ sét. Chỗ ở, mùa nắng oi bức, trời mưa thì nước dột lai láng. Bà Ngô Thị Thúy Minh mong thành phố hỗ trợ tạo điều kiện để người dân có nơi ở mới.

"Nhà xây dựng đã lâu, trên 100 năm rồi nên ở cũng sợ, lo lắng, phập phồng. Nhà thuê của nhà nước mà nhà nước lại không cho sửa chữa, chờ di dời thì cũng lâu", bà Minh cho biết. 

 Khu nhà tập thể 80 Hùng Vương, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng xuống cấp nghiêm trọng

Theo khảo sát của Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng thuộc sở Xây Dựng thành phố Đà Nẵng, thành phố hiện có 8 khu tập thể xuống cấp nghiêm trọng tập trung ở quận Hải Châu. Các khu nhà này cần có biện pháp chống đỡ khẩn cấp, sơ tán dân ra khỏi khu vực và sớm phá dỡ công trình. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã di dời 2 khu nhà tập thể số 10 Trần Bình Trọng và K30 Bạch Đằng. Hiện còn 6 khu khác là 50-52 Lê Lai, 52 Trần Quốc Toản, 87 Lê Lai, 05 Nguyễn Thái Học, 80 Hùng Vương, K340 Phan Châu Trinh với 29 hộ dân chưa di dời.

Ông Lê Thanh Tuấn, 1 trong số hộ dân đang sống tại khu nhà tập thể 80 Hùng Vương cho rằng, đa số đồng tình với chủ trương giải tỏa các khu nhà tập thể xuống cấp: "Giải tỏa các khu tập thể xuống cấp là chủ trương tốt của thành phố. Các hộ dân kiến nghị việc bố trí tái định cư ở khu Nam cầu Cẩm Lệ xa quá. Các hộ dân ở đây thường buôn bán ở chợ, con cái học quanh đây, giờ đi xa như vậy sẽ khó khăn. Việc bố trí đất tái định cư được thành phố bán, trả tiền theo bảng giá của nhà nước. Tuy nhiên hiện nay, thành phố ban hành bảng giá đất mới so với giá cũ tăng gấp 2, 3 lần. Thành ra, các hộ dân nhận tiền áp giá đợt trước, bây giờ không đủ trả tiền đất".

Các khu nhà tập thể tiềm ẩn rnguy cơ cháy nổ

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyêt, Trưởng phòng Quản lý nhà, Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, 8 khu nhà tập thể xuống cấp với mức độ nguy hiểm cấp D được xây dựng từ trước năm 1975. Sau giải phóng, nhà nước tiếp quản, giao các cơ quan, đơn vị quản lý, bố trí cho cán bộ, nhân viên vào ở. Đến nay, hầu hết các khu nhà này đều bị bong nứt, lộ sắt rỉ.

UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà tiến hành thanh lý hợp đồng và bố trí chỗ ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết, đơn vị đã bàn giao 30 căn hộ trống tại chung cư cư số 201 Đống Đa cho UBND quận Hải Châu thực hiện cưỡng chế di dời các hộ ra khỏi các khu nhà tập thể xuống cấp, bố trí cho các hộ thuê sử dụng ở hoặc thuê tạm.

Đa số các khu nhà tập thể đều xuống cấp, nguy hiểm đến tính mạng người dân

Bà Nguyệt cho biết: "Trước đây thành phố cũng đã nhiều lần giải quyết di dời các hộ sống ở các khu tập thể xuống cấp vào các khu chung cư để ở thì các hộ không đồng ý, đề nghị bố trí tái định cư bằng đất. Nhưng hiện nay, vướng Luật Đất Đai là đối với các nhà tập thể xuống cấp, khi bố trí đất tái định cư thì phải qua đấu giá. Sở Xây dựng và các ngành đã trình UBND thành phố, xem xét quỹ đất để bố trí cho các hộ. UBND thành phố cũng đã có văn bản giao Sở Xây dựng trình Thường trực HĐND và Thành ủy để xin chủ trương"./.