Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN Phạm Mạnh Hùng cho rằng, kinh doanh chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng với báo chí Việt Nam. Hiện nay, có sự chuyển đổi rất mạnh mẽ của xu hướng số, sự phát triển của các nền tảng xuyên biên giới… theo đó nhu cầu thông tin, thị hiếu của công chúng cũng thay đổi và như vậy doanh số và nguồn thu của báo chí nói chung và các Đài PT-TH nói riêng đang đứng trước những thách thức vô cùng to lớn. Thực tế, đã có sự chuyển dịch của nguồn kinh phí quảng cáo, tài trợ sang nền tảng số. Nguồn thu truyền thống theo các quảng cáo truyền thống đang suy giảm.
Ông Phạm Mạnh Hùng đánh giá, đây là khó khăn không chỉ của báo chí Việt Nam mà còn của các cơ quan báo chí chuyên nghiệp trong khu vực và trên thế giới: “Trong bối cảnh mới này, rất nhiều Đài PT-TH địa phương, nhiều cơ quan báo chí đang buộc phải tìm hướng thay đổi, định hướng mới theo môi trường mới và buộc phải có những sáng tạo và sự thử nghiệm. Tuy nhiên, tại Đài TNVN và cả các Đài địa phương, chúng ta chưa có đầy đủ kinh nghiệm để có thể tối ưu hoá năng lực của mình, cũng như tìm ra những biện pháp hiệu quả để gia tăng nguồn thu để phục vụ sản xuất nội dung và thu hút công chúng”.
Với nội dung được quan tâm này, trong khuôn khổ Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15, Đài TNVN thông qua Ban Hợp tác quốc tế đã mời các chuyên gia có kinh nghiệm và uy tín về trong lĩnh vực kinh doanh nội dung số. Theo đó, những ý kiến chuyên gia tại hội nghị sẽ là nguồn tham khảo hữu ích để các Đài PT-TH tìm được câu trả lời cho bài toán tìm nguồn thu từ nội dung số.
Thay đối thói quen nghe xem miễn phí của khán thính giả?
Là diễn giả mở đầu hội thảo, ông Tim Rowell, Công ty Piano, Khu vực châu Á Thái Bình Dương- người có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kinh doanh truyền thông kỹ thuật số và đã có 10 năm kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp truyền thông về các sáng kiến đăng ký và cách tạo nguồn thu, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của số liệu thống kê. Theo đó, những dữ liệu để giúp các cơ quan báo chí xây dựng hồ sơ khán, thính, độc giả ghé khi họ “ghé thăm” trang web.
Ông Tim Rowell, Công ty Piano, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Với câu hỏi của thay đổi thói quen nghe, xem miễn phí của khán thính giả, ông Tim Rowell cho rằng: “Người nghe Việt Nam có thói quen nghe miễn phí, cần có phương pháp nào để tăng được nguồn thu cho phát thanh. Làm sao chuyển họ từ thói quen nghe miễn phí sang thói quen nghe có trách nhiệm trả phí. Đây là vấn đề của nhiều quốc gia trên thế giới chứ không riêng Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu sản phẩm của chúng ta làm ra sản phẩm đáng để khách hàng trả tiền thì họ cũng sẵn sàng để trả tiền. Chúng ta cần xây dựng nó như những sản phẩm dịch vụ đáng để trả tiền”.
Theo ông Tim Rowell, các nhóm nội dung nào các Đài đã thành công trong thu hút sự quan tâm của khán, thính giả và có được nguồn thu thì cần tích hợp nhiều nội dung khác nhau theo nhu cầu của nhóm đối tượng công chúng.
Bà Siobhan McHugh, Giáo sư, Trường Đại học Sydney, Australia
Podcast sẽ cạnh tranh với Radio?
Là một chuyên gia sản xuất Podcast, bà Siobhan McHugh, Giáo sư, Trường Đại học Sydney, Australia, chia sẻ rằng, người nghe quảng cáo thông qua Podcast sẽ tập trung hơn: “Quảng cáo khi được người dẫn đọc dẫn trong Podcast sẽ khiến người nghe cảm thấy tin tưởng hơn và có xu hướng lựa chọn sản phẩm. Do vậy, khi sản xuất Podcast cần khoanh vùng nhóm đối tượng để hướng quảng cáo tới người tiêu dùng”.
Vậy Podcast có giống với Radio? Theo bà Siobhan McHugh, đó là “giống mà không giống”. Thực tế, Podcast không đặt nặng về cấu trúc nội dung và tiêu chuẩn audio, độ dài Podcast cũng linh hoạt, thính giả sẽ là người lựa chọn những gì họ muốn nghe và nghe bất cứ lúc nào…
“Chúng ta làm Podcast bằng nội dung âm thanh, do vậy chúng ta phải làm sao để nội dung được nổi bật lên, thu hút người nghe bằng giọng nói, bằng sức mạnh truyền cảm của giọng nói. Chúng ta phải khai thác đối đa giọng nói để Podcast phát huy tác dụng đối đa, để người nghe có thể hình dung ra cả bức tranh sinh động thông qua giọng đọc. Những tiếng động trong Podcast sẽ là những tiếng động đời thường để tạo sự gần gũi với người nghe”, bà Siobhan McHugh nhấn mạnh.
Bà đánh giá như thế nào về nền tảng truyền thông của Việt Nam và tương lai của Podcast tại Việt Nam. Liệu đây có phải là sự cạnh tranh với Radio?
Bà Siobhan McHugh: Đây là cánh tay nối dài của Radio. Chúng cần hiểu người nghe, hiểu cống chúng, điều họ cần là gì để chúng ta làm nội dung hương tới họ. Đặc biệt, cách chúng ta nói chuyện với thính giả thông qua Podcast phải thực sự thân thiện, gần gũi, tạo niềm tin với họ.
Kiếm tiền qua nền tảng số
Đây là chủ để của diễn giả Vickneswaran Kajindran, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Tập đoàn Media Prima Malaysia, với hơn 16 năm kinh nghiệm trong quảng cáo truyền thông.
Ông Vickneswaran Kajindran nhấn mạnh sự tích hợp các nội dung số, từ Audio đến các nội dung trên nền tảng mobile, Facebook. Trong đó, chú trọng nội dung, xây dựng nội dung phù hợp và thúc đẩy trên các nền tảng số.
“Khi đã có nội dung chúng ta phải tận dụng mọi nền tảng số và đảm bảo mọi nội dung sản xuất phải xuất hiện để tiếp cận công chúng. Chúng tôi phát triển các nền tảng bằng tiếng Anh và tiếng Malaysia. Khi thu hút được lượt view lượt xem, tất cả đều sẽ hiện thị trên các nền tảng và giúp chúng ta thu hút khách hàng đặt quảng cáo”, ông Vickneswaran Kajindran.
Lấy ví dụ cụ thể về quảng bá cho kênh Radio, ông Vickneswaran Kajindran giới thiệu chiến lược truyền thông tích hợp, đặc biệt, chiến dịch diễn ra ngay cả khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Ông Vickneswaran Kajindran, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Tập đoàn Media Prima Malaysia.
“Bắt đầu từ phát thanh viên sẽ quảng báo kênh ngay trên sóng Radio, sau đó sẽ giới thiệu ở các nền tảng số khác của mình. Chiến lược quảng bá của chúng tôi triển khai vào đúng thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn triển khai dù quy mô thu hẹp, phát thanh viên phải đeo khẩu trang khi dẫn, nhưng chúng tôi vẫn thu hút thành công lượng công chúng mục tiêu. Đặc biệt, chiến dịch của chúng tôi linh hoạt triển khai 30 ngày với 30 nhân vật trên tuyến đầu chống dịch. Chúng tôi đã kết nối trực tuyến, để các y bác sĩ tự chia sẻ những câu truyện của minh trên các nền tảng số. Hiệu quả của chiến dịch chính làm sự gắn kết, đưa người Malaysia gần gũi nhau hơn”, ông Vickneswaran Kajindran nói.
Ông Vickneswaran Kajindran đặc biệt giới thiệu nền tảng tích hợp “Audio +”, bao gồm phát thanh và Podcast. Trong đó, Podcast là cánh tay nối dài của Radio giúp tiếp cận thính giả và có thêm nguồn thu từ quảng cáo: “Với nền tảng Audio +, chúng tôi tích hợp các nội dụng với nhiều thứ tiếng là tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Malaysia. Với nội dụng đã tích hợp, chúng tôi tiếp tục sử dụng các đoạn audio ngắn để giới thiệu và có đường link dẫn về Podcast hoàn chỉnh”.
Cũng theo ông Vickneswaran Kajindran, các Đài cần có những con số thống kê để so sánh những thị trường khác nhau trên các nền tảng khác nhau, từ đó, xây dựng góc tiếp cận câu chuyện theo nhu cầu quan tâm, theo dõi của thính giả.
“Nội dung trên Podcast hoàn toàn khác nội dung trên Radio. Khi muốn mở rộng nội dung theo yêu cầu của khách hàng chúng tôi sẽ sử dụng Podcast. Chúng ta sẽ “đóng gói” để cho khách hàng có sự lựa chọn, cụ thể với Podcast sẽ có bao nhiêu lượt đăng trên các nền tảng xã hội. Nội dung và độ dài của Podcast cũng sẽ linh hoạt theo yêu cầu của khách hàng. Thời gian hiện thị nội dung cũng sẽ được thảo luận theo thoả thuận với khách hàng”, ông Vickneswaran Kajindran chia sẻ.
Ông Vickneswaran Kajindrann: Trên Radio chúng ta có thể bị hạn chế nội dung và chủ yếu làm trên các talk show. Do đó, chúng tôi có thể giới thiệu khách hàng sử dụng sản phẩm Podcast, với tác phẩm dài kỳ và nhiều sản phẩm Podcast.
Ông Vickneswaran Kajindrann: Khi bắt đầu với Podcast chúng tôi có 33 chuyên mục, câu chuyện nội dung chúng tôi muốn bán. Nhưng không phải nội dung nào cũng bán được. Do vậy, điều cần thiết là tập trung vào nội dung, vào chất lượng chứ không phải số lượng. Chúng ta nên để Podcast là chương trình bổ sung trong các chương trình phát sóng trên Radio. Podcast không nên đứng độc lập. .
Radio còn cơ hội trước các thách thức?
Nhà báo Công Vinh, Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH), với 30 năm sống và làm cùng sóng Radio, chia sẻ khía cạnh từ cơ hội biến thành nguồn thu từ doanh nghiệp: “Cơ hội vẫn đang mở với Radio, bởi công chúng ngày càng ít thời gian để xem, thay vào đó họ nghe”.
Theo nhà bào Công Vinh, Radio có 3 thuộc tính cơ bản của mạng xã hội: Thứ nhất là di động và tức thì. Thứ hai là người dùng cùng kiến tạo nội dung. Thứ ba, tương tác là thế mạnh, chia sẻ ngang hàng với mạng xã hội.
“Từ cơ hội biến thành nguồn thu, thực tế là thu tiền từ doanh nghiệp. Cứ làm nội dung hay thì sẽ có quảng cáo là câu cửa miệng, nhưng tại sao nhiều nội dung xàm vẫn có quảng cáo? Vậy vấn đề có ở chỗ nội dung đó là ai nói? Thính giả nói, doanh nghiệp thích để tạo hiệu quả và nguồn thu?”, nhà báo Công Vinh nêu vấn đề.
Theo đó, nhà báo Đài VOH cho rằng, người làm phát thanh phải thay đổi tư duy theo hướng thính giả vừa là mục tiêu vừa là con đường tới đích đến là doanh nghiệp. Doanh nghiệp có những mục tiêu khác nhau (quảng bá sản phẩm, quảng bá hình ảnh thương hiệu, quảng bá theo chiến dịch khuyến mại…) và phải hiểu doanh nghiệp để đáp ứng. Doanh nghiệp hướng tới Multichannel marketing thì Radio phải hướng tới multimedia.
Sản xuất nội dung Radio phải mang tính tương tác - theo mudule - viral trên đa nền tảng…:
+ Nội dung thông tin: giải quyết nhiều nhu cầu đời sống, có thể liên quan đến tiện ích sản phẩm, dịch vụ hoặc mục tiêu doanh nghiệp…
+ Nội dung giải trí: tạo thư giãn, nghệ thuật…
+ Nội dung cảm xúc: tập trung khai thác trí tưởng tượng
Cách làm nội dung Radio multimedia cần định vị thính giả tương thích nhu cầu và định vị doanh nghiệp:
+ Mô hình đảm bảo tần suất tương tác. Nội dung phải được đóng gói để tồn tại trên các nền tảng số
+ Quyền năng giọng nói: Chạm cảm xúc người nghe, khơi gợi trí tưởng tượng của người nghe
+ Các nền tảng số: Để chia sẻ nội dung, thống kê số liệu người nghe, lượt truy cập
“Nội dung là tài nguyên - Con người là tài sản. Trong đó, con người với giọng nói, với “hồn” của âm thanh, kỹ năng giao tiếp. Người sản xuất nội dung chú trọng đến những điều người nghe muốn. Các Đài cần soi lại chúng ta có tài nguyên gì và tài sản tới đâu? Và Làm gì để tạo ra tài nguyên và tài sản?”, nhà báo Công Vinh nêu giải pháp sát sườn cho các Đài TP-TH.
Phát thanh đang đứng trước cơ hội lấy lại vị thế vốn có
Sau gần 3 tiếng tập trung trao đổi những nội dung thiết thực, chức hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn thu cho các PT-TH trong xu hướng chuyển đổi số” đã khép lại. Theo Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN Phạm Mạnh Hùng, hội thảo đã nêu vấn đề và giải pháp, cùng những trao đổi kinh nghiệm về xu hướng chuyển đổi số trong nội dung phát thanh, xu hướng kinh doanh trên nền tảng số và tối ưu hoá nội dụng để tìm nguồn thu…
Ông Phạm Mạnh Hùng khẳng định, đây là thời kỳ phát thanh đang có cơ hội phát triển trở lại và lấy lại vị thế vốn có. Đặc trưng của thời kỳ truyền thông này là không có “vua”, không có phương tiện truyền thông nào là “vua”.
“Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi rất nhanh nhu cầu tiếp cận nội dung của công chúng. Đây là điều chúng tôi mong muốn, nhà lãnh đạo các Đài TP-TH địa phương, các bạn đồng nghiệp hiểu rõ để thấy rằng chúng ta phải đầu tư cho phát thanh. Thứ hai, chúng ta không làm phát thanh như trước đây mà phát thanh phải tích hợp multimedia. Nhưng hồn cốt của phát thanh phải giữ lại đó là tiếng nói, sức mạnh của tiếng nói. Chúng ta không làm phát thanh như trước kia mà phải biết phân phối, đóng gói trên các nền tảng khác nhau. Sau hội thảo này, Đài TNVN sẽ giao Ban Hợp tác quốc tế tư vấn cho VOV2 thực hiện và đến kỳ liên hoan tiếp theo sẽ báo cáo kết quả”, ông Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN mong muốn những người làm phát thanh phải luôn đối mới kiến thức sản xuất, cập nhật sản xuất Podcast và các nội dung Audio trên nền tảng Podcast.
“Mỗi diễn giả tại hội thảo mang tới một góc nhìn thú vị. Các diễn giả quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và xu thế làm phát thanh toàn cầu và nhà báo Công Vinh đưa đến khía cạnh thực tế mà các Đài PT-TH đăng gặp phải. Theo đó, chúng ta phải làm Radio với tư cách của những người chuyên nghiệp. Cấu trúc nội bộ của chúng ta phải thay đổi, bộ phận làm phát thanh phải giỏi, bộ phận làm quảng cáo, quản trị phải thay đổi để có mộ cấu trúc hệ thống phù hợp với xu hướng mới”, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN Phạm Mạnh Hùng khẳng định./.