Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra chiều tối nay (3/8), báo chí đặt câu hỏi: Nghị quyết 63 của Quốc hội có yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nghiên cứu thiết kế môn Lịch sử bậc THPT gồm phần bắt buộc và lựa chọn sao cho hợp lý, khoa học để đạt được hiệu quả cao nhất. Bộ GD&ĐT đã thực hiện đến đâu và liệu có đưa vào áp dụng trong năm học 2022-2023 hay không?

Trả lời nội dung này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết 63 ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức xây dựng chương trình môn Lịch sử theo đúng tinh thần Nghị quyết. Trong đó, có các phần  bắt buộc và tự chọn. Nhằm bảo đảm hợp lý phù hợp, Ban Phát triển chương trình tiến hành nghiên cứu xây dựng cẩn thận cụ thể, xin ý kiến các nhà khoa học giáo viên ở 63 tỉnh, thành phố, có ý kiến góp ý chương trình.

Trước đó, vào tháng 5/2022, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Ban Phát triển chương trình phổ thông nghiên cứu xây dựng, báo cáo các phương án triển khai thực hiện, Bộ tiến hành làm chặt chẽ nghiêm túc, hội đồng thẩm định có văn bản đề xuất trình Bộ trưởng ký ban hành.

Ngày 3/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Thông tư 13 về một số nội dung chương trình môn lịch sử phổ thông, ban hành hôm nay.

Ngay sau khi có Nghị quyết 63, Bộ đã báo cáo Chính phủ cho phép Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư theo quy trình thủ tục rút gọn, Bộ Tư pháp đồng ý. Thông tư này có hiệu lực ngay sau khi ký (3/8) và trong tháng 9 sẽ tổ chức tập huấn cho các giáo viên sử cả nước để triển khai, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thông tin./.

Bộ GD-ĐT thông tin chi tiết về việc điều chỉnh Lịch sử thành môn học bắt buộc

VOV.VN - Việc điều chỉnh môn Lịch sử ở cấp THPT phải đảm bảo các chủ đề, nội dung lựa chọn phải phù hợp với đặc điểm tâm lí lứa tuổi, học sinh, coi trọng kiến thức Lịch sử dân tộc nhằm nâng cao giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hoá.