Theo ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2015 đến nay, công tác bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến rất mạnh mẽ từ chủ trương, giải pháp đến nhận thức và tư duy hành động. Vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe Nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.

“Việt Nam đang quyết tâm trong giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh; đồng thời tận dụng cơ hội đưa đất nước ta theo con đường “xanh”, hiện thực hoá mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đây là xu thế phát triển phù hợp với Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong 15 năm tới”, Bộ trường Trần Hồng Hà chia sẻ.

Theo Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh những thành công đạt được, công tác bảo vệ môi trường nước ta vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, làng nghề; một số sự cố môi trường vẫn xảy ra; việc khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu tính bền vững tiếp tục làm thất thoát tài nguyên và tác động xấu lên môi trường; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp.

Nhân loại vẫn đang phải đối mặt với khủng hoảng “kép” do đại dịch Covid, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự nhiên đang là khủng hoảng kép đối với nhân loại hiện nay. Các hệ sinh thái trên Trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi; đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người chạm ngưỡng không thể đảo ngược ảnh hưởng đến việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), gia tăng các thách thức về biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực và nguồn nước.

“Nếu hành động chậm trễ, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội quý giá để đảm bảo Trái đất có thể sinh sống được và duy trì một hành tinh bền vững cho tất cả trong tương lai. Thực trạng đó buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Chuyển đổi xanh dựa nền tảng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp, kinh tế số là con đường để chúng ta đưa đất nước phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống cho Nhân dân. Chúng ta chỉ có thể đảo ngược xu thế gia tăng ô nhiễm, suy giảm các hệ sinh thái khi có sự chung tay, đoàn kết, sẻ chia quốc tế dựa trên nguyên tắc công lý, công bằng giữa các quốc gia và quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị; trong đó Nhà nước cần kiến tạo thể chế; doanh nghiệp và người dân sẽ đóng vai trò trung tâm”, ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tin tưởng, với ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân cùng với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ thành công trong chuyển đổi chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế dựa vào khả năng cung ứng của các hệ sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp; hoàn thành các mục tiêu của thập kỷ phục hồi các hệ sinh thái. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá: Tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học mặc dù đã được kiểm soát song vẫn diễn biến phức tạp, một số nơi, khu vực vẫn ở mức đáng báo động; đặc biệt nổi lên là ô nhiễm tại một số lưu vực sông, làng nghề, ô nhiễm không khí tại một số thành phố lớn. 

Nguy cơ này nếu không có giải pháp để kiểm soát, xử lý kịp thời sẽ tác động lớn đến mục tiêu phát triển bền vững. 

Hạ tầng cho công tác BVMT mặc dù đã được đầu tư, song vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. 

Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%; hầu hết các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Mới có 22% cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cơ sở trong cụm công nghiệp phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm soát, quản lý. 

Số lượng các trạm quan trắc không khí tự động liên tục còn chưa tương xứng, chưa đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu quản lý trên thực tế, dẫn đến thiếu thông tin cho việc dự báo, cảnh báo. 

Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt 66%; hơn 80% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Nhiều loại chất thải công nghiệp, hóa chất nguy hại, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu, chưa được xử lý triệt để hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu. 

Việc phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn chưa được thực hiện trong giai đoạn vừa qua và hiện nay mới đang bắt đầu chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện theo tinh thần của Luật BVMT 2020. 

Bộ TN&MT nhấn mạnh thông điệp: bảo vệ môi trường cần được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, lấy bảo vệ sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. 

"Mục tiêu che phủ 43% rừng và chương trình trồng 1 tỷ cây xanh là chưa đủ"

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) đưa ra nhận định trên trong Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, sáng 4/8. Đại diện UNDP cho rằng để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 như cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP 26 nước ta cần khoản tài chính 330-370 tỷ USD.

"Con số này đòi hỏi cả nguồn tài chính công và tư từ trong nước và quốc tế. Trong đó, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và đặc biệt là tài trợ từ khu vực tư nhân trong nước đóng vai trò thiết yếu để hỗ trợ đạt được mục tiêu này", bà Caitlin Wiesen nói và cho rằng cần xây dựng các chương trình tài chính mới để thu hút, tạo ra nguồn tài chính xanh, ví dụ như thị trường carbon, trái phiếu xanh.

Ngoài ra, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc đưa ra bốn khuyến nghị để nước ta đạt được mục tiêu về khí hậu trên. Thứ nhất, Việt Nam cần xây dựng riêng một đạo luật khí hậu để tạo điều kiện cho những sáng kiến đột phá, tránh chồng chéo.

"Các nước trên thế giới đã xây dựng các luật dài hạn về biến đổi khí hậu, các luật này có thể coi là cách thực hành tốt và thúc đẩy cách tiếp cận toàn xã hội để đạt được tham vọng mới về khí hậu".

Thứ hai, cơ quan này đề nghị Việt Nam cần nhanh chóng phê duyệt quy hoạch điện 8 để thu hút đầu tư xanh. Trong đó, cần có tham vọng lớn hơn về năng lượng tái tạo và ít phụ thuộc hơn vào điện than sẽ là một khởi đầu đầy hứa hẹn. Việc thúc đẩy quy hoạch không gian biển cũng rất quan trọng để mở ra tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo biển theo cách bền vững.Việt Nam cần sớm ban hành kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn là khuyến nghị thứ ba được UNDP đưa ra.

Theo đó, kế hoạch quốc gia cần có khung chính sách và cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn có tính hệ thống và gắn kết hơn để hỗ trợ phát triển kinh tế ít phát thải carbon hơn và chống chịu với khí hậu.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, vừa qua Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện mục tiêu tại COP26 đã được thành lập với các bộ trưởng là thành viên để thể hiện quyết tâm đạt được mục tiêu đã cam kết. Trong quy hoạch này, điện hóa thạch, điện than đã được cắt giảm khoảng 20.000 MW, giảm 12 nhà máy điện hóa thạch, tăng tỷ lệ điện từ điện gió, điện mặt trời.

"Tổ chức quy hoạch điện 8 theo đúng mục tiêu thì đến 2050 thì sẽ có năng lượng vừa đủ để phát triển nhưng cũng góp phần tích cực vào giảm khí thải", Phó Thủ tướng nói và cho biết đây là hành động thể hiện quyết tâm của Chính phủ về lĩnh vực môi trường.

Không có gì thay đổi thì trong tuần tới sẽ họp thường trực và phê duyệt Quy hoạch điện 8, rất nhiều địa phương, bộ ngành đang mong đợi điều. Nếu ta thực hiện đúng quy hoạch đó thì đến năm 2050 thì ta có năng lượng vừa đủ nhưng cũng góp phần tích cực vào giảm phát thải khí thải

Ngoài ra, Phó Thủ tướng thông tin, trong thời gian tới cả nước sẽ rà soát lại quy hoạch để kiểm tra quỹ đất dành cho trồng cây. Lãnh đạo Chính phủ nhận định, mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng 43% và chương trình trồng 1 tỷ cây xanh là chưa đủ vì hiện nay ở đô thị không gian cho cây xanh đang thiếu.

"Trên quy hoạch thì, tiêu chí có thể thấy tỷ lệ che phủ cây xanh ít nhất phải đạt 16%, tuy trên thực tế ở nhiều địa phương có sự chuyển đổi mục đích khiến mất đi diện tích trồng cây xanh", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói./.