Đúng dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), Bộ Y tế sẽ chính thức triển khai Đề án thí điểm “Đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”, trong đó ưu tiên 62 huyện nghèo trong cả nước. Ngay khi có chủ trương triển khai đề án này, đã có 100 bác sỹ trẻ đăng ký tham gia.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2016, Đề án “Đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được triển khai tại 20 tỉnh có huyện nghèo với số lượng dự kiến là 500 bác sỹ.

Đối tượng tham gia là những bác sỹ mới ra trường và bác sỹ đã tốt nghiệp chưa chính thức làm việc tại các cơ sở y tế công lập.

Các bác sĩ mới ra trường phải đạt loại khá, giỏi, được tuyển dụng vào bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các Sở Y tế. Trước khi về công tác tại vùng sâu, vùng xa, những bác sỹ trẻ này được đào tạo thêm 2 năm, khi có bằng bác sỹ chuyên khoa 1 mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Thời gian công tác tại các huyện nghèo là từ 3 đến 5 năm (với bác sỹ nam), 2 đến 3 năm (với bác sỹ nữ).

Trước khi triển khai đề án, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm với sinh viên các trường Đại học Y, đồng thời tiến hành khảo sát nhu cầu của các địa phương. Qua khảo sát cho thấy 19/20 tỉnh có huyện nghèo mong muốn được đón bác sỹ trẻ về làm việc. Số lượng đề nghị là 419 người.  

Ông Vũ Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, những bác sỹ tham gia đề án này sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về tuyển dụng, tiền lương, phụ cấp và đào tạo chuyên môn.

Nếu tình nguyện ở lại địa phương công tác lâu dài sẽ được ưu tiên về nhà ở và vị trí công tác. Ngay khi có chủ trương triển khai đề án, đã có 100 bác sỹ trẻ đăng ký tham gia./.