Trong dịp kỷ niệm tròn 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhiều cựu chiến binh Xô viết từng công tác ở Việt Nam những năm tháng chiến tranh ác liệt đã có dịp gặp gỡ, ôn lại những kỷ niệm xưa.
Phóng viên Đài TNVN ghi lại cảm xúc của hai cựu chiến binh ở thành phố Kharkov, Ukraine và tình cảm các ông dành cho quân đội và nhân dân Việt Nam.
Trong dịp về công tác tại Kharkov mới đây, chúng tôi được anh chị em trong cộng đồng Việt Nam, vốn có hoạt động tổ chức hội khá mạnh, đưa tới thăm gia đình một cựu chiến binh Xô viết từng công tác tại Việt Nam, Đại tá Piotr Serdiuk, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam của thành phố Kharkov. Cùng có mặt trong buổi gặp gỡ ấm áp ấy còn có ông Evgheni Bogun, Phó chủ tịch Hội.
Biết chúng tôi tới thăm, các ông đã mang những kỷ vật lưu niệm của một thời ra khoe với một động thái hết sức trân trọng, nâng niu. Nào là những lá thư từ người thân gửi sang, và gửi về cho người thân, nào là những bức ảnh chụp bên trận địa, trong các lớp huấn luyện, rồi những bức ảnh mà các bạn chiến đấu Việt Nam tặng trước khi các ông về nước... và cả những kỷ vật như chiếc lược từ mảnh máy bay Mỹ.
Bồi hồi nhớ lại những năm tháng không thể nào quên, các ông kể về công việc, về những tình cảm, tình đồng chí gắn bó bên chiến hào các trận địa bảo vệ vùng trời trước các trận tấn công khốc liệt của máy bay Mỹ.
Ông Serdiuk nói: “Cuộc chiến mà Đế quốc Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam khiến chúng tôi rất lo ngại và chúng tôi đã giúp đỡ vô điều kiện. Khi đó lực lượng quân đội của Việt Nam còn chưa mạnh mà phải đối mặt với một lực lượng quân đội Mỹ hùng mạnh và bởi vậy, chúng tôi đã giúp đỡ cả về chuyên gia kỹ thuật, cả về trang thiết bị”.
Ngồi bên cạnh, ông Bogun, người có mặt ở Việt Nam trong nhóm chuyên gia đầu tiên sang Việt Nam vào năm 1965 cũng thêm vào vài nhận xét: “Khi giảng bài cho các chiến sỹ Việt Nam, chúng tôi biết là cái gì họ đã hiểu, cái gì chưa hiểu và chúng tôi thường dừng lại để tỷ mỷ giải thích và tìm những tài liệu dịch sang tiếng Việt. Tôi đã tìm hiểu rất kỹ các bài giảng từ tối hôm trước để tìm cách tối ưu giải thích cho các chiến sỹ dễ hiểu. Tôi kể chuyện, các bạn Việt Nam ghi lại rồi tra từ điển để hiểu thêm. Về sau mọi việc trở nên dễ dàng hơn và các bạn Việt Nam tiếp cận rất nhanh các vấn đề về kỹ thuật”.
Rồi các ông lại bồi hồi nhớ lại rất nhiều những câu chuyện cảm động thời chung chiến hào với quân và dân Việt Nam. Trong những kỷ vật của các ông, chúng tôi rất chú ý tới chiếc lược sắt từ mảnh xác máy bay Mỹ có khắc dòng chữ ghi ngày bắn rơi chiếc máy bay 22/4/1966 và bài thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mừng Xuân 1966” với lời lẽ thật giản dị, nhưng có sức lay động lòng người, động viên, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần thi đua sản xuất và chiến đấu của quân và dân ta.
Hỏi các ông có hiểu bài thơ không thì các ông đều nói hiểu và là kỷ niệm quý nhất bởi đó chính là dấu ấn thời điểm các ông có mặt ở Việt Nam, thời điểm nhiều người trong số các ông đã từng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người tới thăm trận địa.
Sau này, các ông cũng đã có dịp quay trở lại thăm Việt Nam và ấn tượng về đất nước, con người Việt Nam đang nỗ lực xây dựng cuộc sống hòa bình đã ghi dấu đậm nét trong các ông.
Ông Serdiuk nói: “Đối với đất nước đã có hòa bình như chúng tôi mà sang các nước đang có chiến tranh như Việt Nam là việc làm không đơn giản. Nhưng để các bạn chiến đấu một cách anh dũng chống lại kẻ thù mạnh như Mỹ thì sự giúp đỡ của chúng tôi là nhiệm vụ”.
Cuộc gặp mặt đã khiến các ông lại được trở về với những năm tháng gắn bó với quân và dân ta trong cuộc kháng chiến không cân sức chống Đế quốc Mỹ xâm lược. Cuối cùng các ông lấy cho chúng tôi xem và tặng chúng tôi cuốn hồi ký mà những ký ức, những tình cảm gắn bó với nhân dân Việt Nam đã được các cựu chiến binh Kharkov ghi lại. Cuốn hồi ký có nhan đề “Bầu trời Khốc liệt của Việt Nam” được xuất bản năm 2008 với sự hỗ trợ của Cộng đồng Việt Nam tại Kharkov.
Xem lại những dòng hồi ký, những trải nghiệm, đúc rút kinh nghiệm của các cựu chiến binh Kharkov trong cuốn sách mới càng thấy trách nhiệm to lớn và tình cảm sâu sắc mà các ông dành cho lực lượng Quân đội, cho nhân dân Việt Nam. Thấu hiểu tình cảm của các ông, nhóm anh chị em Việt Nam trong Cộng đồng người Việt ở Kharkov đã chia nhau dịch toàn bộ nội dung cuốn hồi ký với niềm hy vọng sẽ có dịp được xuất bản ở Việt Nam.
Chia tay các ông và cả hai anh Nguyễn Hoàng Nam và Vũ Huy Dương, những nhân vật tích cực của các hội, đoàn tại Kharkov, chúng tôi thầm biết ơn những người cựu binh Xô viết đã một thời gắn bó, chia sẻ với dân tộc Việt Nam những khó khăn, thử thách và càng thấy trân trọng biết ơn cả chính những người Việt Nam tại Kharkov hôm nay đã biết tri ân, nâng niu, gìn giữ và nhân lên những tình cảm đẹp.
Hy vọng, trong một tương lai không xa, cuốn hồi ký của các Cựu chiến binh Xô viết tại Kharkov sẽ đến tay bạn đọc Việt Nam./.