Sáng 27/6, chúng tôi về ấp Phước An, xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long để tìm gặp ông Lê Văn Hường (SN 1963) trong căn nhà mục nát, trống hoác, giá trị nhất là chiếc ti vi cũ kỹ và một chiếc ghế bằng gỗ để tiếp khách.

Ông Hường kể lại chuyện trong căn nhà tồi tàn của mình

Thấy chúng tôi đến tìm hiểu thông tin, ông Hường vui vẻ kể: “Ngày 24/3/2014, trên đường đón đứa cháu ngoại học tại trường mầm non ở gần xã An Phước về nhà, tôi có ghé tiệm bánh kẹo để mua cho cháu. Khi ra ngoài thì tôi phát hiện có một bó tiền nằm ngay mặt đường (thuộc khu vực xã An Phước), lập tức tôi dừng xe lại nhặt lấy và hô lên nhưng không có ai đến nhận. Sau đó, tôi cầm bó tiền này mang đến UBND xã An Phước trình báo và nhờ chính quyền địa phương tìm cách trả lại cho người đánh rơi". Tại đây, ông Hường cùng lãnh đạo địa phương lập biên bản và kiểm tra số tiền có giá trị tới 86.025.000 đồng.

Nhờ lòng tốt bụng, sự tích cực của chính quyền địa phương xã An Phước nên một người đàn ông tên Ba Nguyệt (ngụ ấp Thủy Thuận, xã An Phước) đã liên hệ nhận lại số tiền đánh rơi. Cảm kích tấm lòng của ông Hường nên ông Nguyệt biếu ông Hường 1 triệu đồng nhưng ông Hường quyết từ chối không nhận.

Ông Thái Văn Bình – Trưởng Công an xã An Phước bày tỏ: “Đây là hành động rất đáng biểu dương và nhân rộng. Ông Hường có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có đất canh tác, nhà ở thì xập xệ, là trụ cột chính trong gia đình, chủ yếu làm thuê kiếm sống nhưng ông thường xuyên đau bệnh. Hiện ông đang là Hội viên Hội cựu chiến binh của xã, đạo đức tốt, chấp hành đúng pháp luật”.

Qua tìm hiểu của chúng tôi được biết, ông Hường từng tình nguyện tham gia nhập ngũ ở chiến trường K. Sau khi xuất ngũ, ông Hường phải tha phương khắp nơi để làm thuê kiếm sống lo cho gia đình và 3 em nhỏ cùng mẹ già. Năm 1989, ông Hường lấy vợ, sinh được 2 người con, nay đã khôn lớn. Mùng 2 Tết Giáp Ngọ vừa qua, người con trai lớn của ông bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, gãy 1 chân nên gánh nặng càng oằn lên đôi vai của ông. Mặc dù vậy, gia đình ông luôn đầy ắp tiếng cười hạnh phúc. 

Ông Hường cứ mãi nhắc với chúng tôi về lời Bác dạy “Nghèo phải cho sạch…”, câu nói ấy vẫn đọng mãi trong ông, một người lính Cụ Hồ./.