Gần 10 năm qua, dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, chỉ cần nghe tin có TNGT, ông Phạm Văn Sen (SN 1941, trú tại tổ dân phố Làng Mới, phường Bách Quang, TP Sông Công) lại lên đường tới hiện trường sơ cứu, đưa người bị nạn đi cấp cứu, bảo vệ hiện trường, phối hợp cùng lực lượng chức năng phân luồng đảm bảo ATGT…

ccb1_qvmn.jpg

Ông Phạm Văn Sen cùng chiếc ô tô của mình đã cứu giúp hàng trăm nạn nhân không may bị TNGT

Mua ô tô để cứu người

Từng là bộ đội xông pha nơi chiến trường bom rơi, đạn nổ, chứng kiến những hi sinh mất mát của đồng đội, ông Phạm Văn Sen không còn xa lạ hay ngại ngần trước những vết thương.

Năm 1989, xuất ngũ trở về quê hương, từng có thời gian dài công tác tại Hội Chữ thập đỏ xã Tân Quang (nay là phường Bách Quang), ông học thêm được nhiều cách sơ cứu người bị thương.

Hồi ấy, đường Cách mạng tháng 10 chạy qua trục chính của xã chưa được nâng cấp, cải tạo, mặt đường xấu, gồ ghề rất khó đi. Nhà ông ngay cạnh đường nên thường xuyên chứng kiến những vụ va chạm, TNGT thương tâm, nhiều nạn nhân tử vong vì không được đưa đi cấp cứu kịp thời.

“Trước thực trạng đó, tôi đã đứng ra sơ cứu, đưa người bị nạn đi bệnh viện. Đồng thời, kêu gọi bà con hỗ trợ bảo vệ hiện trường và tài sản cho các nạn nhân. Năm 2009, tôi đăng ký tham gia chốt sơ cấp cứu của xã. Chốt có 5 thành viên, đều làm việc tự nguyện, tôi được mọi người tin tưởng bầu làm Chốt trưởng”, ông Sen nhớ lại.

Chốt sơ cấp cứu xã Tân Quang (nay là phường Bách Quang) có hai nhiệm vụ chính là sơ cứu, đưa người bị nạn đi bệnh viện và bảo vệ hiện trường cũng như tài sản, phương tiện của các nạn nhân. Thế nhưng, năm 2010, vì một vài lý do nên chốt này đã giải tán.

“Nhận thấy đây là công việc có ý nghĩa, tôi lại huy động anh em, những người làm việc tại phường, đặc biệt phải có phương tiện ôtô di chuyển để tiện đưa nạn nhân đi cấp cứu tiếp tục duy trì công việc này”, ông Sen cho biết thêm.

Bản thân ông Sen cũng dốc hết tiền tiết kiệm trong nhà và huy động thêm các con ủng hộ để mua ô tô hỗ trợ công tác cấp cứu nạn nhân TNGT. Nghe bố nói mua ô tô để chở nạn nhân, các con ông ban đầu cũng phản đối, nhưng trước sự tâm huyết của ông, các con sau cũng đồng lòng ủng hộ.

7 năm qua, hễ nghe thấy có TNGT, ông Sen lại cùng đồng nghiệp tức tốc đi xe ra hiện trường. Số dụng cụ y tế, bông băng Hội Chữ thập đỏ phường hỗ trợ không đủ, ông lại bỏ tiền túi ra mua để phục vụ công tác cứu người.

“Đường dây nóng” TNGT

Ông Sen kể, năm 2013, đang làm việc trong nhà, nghe hàng xóm nói có TNGT gần đây, ông vội chạy đến hiện trường. Khi đó, chị Trương Thị Ánh Tuyết (phường Thắng Lợi, TP Sông Công) đang mang thai, trên đường đi làm về qua đường Cách mạng tháng 10 thì bị chiếc xe máy đâm vào phía sau làm chị ngã ra đường, bị thương nặng. Sau khi gây tai nạn, chiếc xe này đã bỏ chạy.

Ông Sen nhanh chóng sơ cứu cho chị Tuyết rồi đưa chị lên ô tô của mình chở đến Bệnh viện C Thái Nguyên để cấp cứu. “Nhờ đến bệnh viện kịp thời, mẹ con chị Tuyết đều bình an vô sự. Ra viện, chị Tuyết cùng chồng đến nhà cảm ơn tôi, đến giờ cháu vẫn qua lại hỏi thăm, coi tôi như người thân trong nhà”, ông Sen vui vẻ kể.

Tuy nhiên, cũng không ít lần đưa nạn nhân đến bệnh viện, ông Sen lại bị chính người nhà của họ hiểu lầm là người gây ra tai nạn mà buông những lời xúc phạm khiến ông buồn lòng. Chỉ đến khi có xác nhận từ công an tại hiện trường, họ mới hiểu và quay sang cảm ơn, động viên ông tiếp tục công việc thiện đầy ý nghĩa.

Ông Sen cho biết, đa số những vụ TNGT ông sơ cứu xảy ra vào ban đêm, nạn nhân chủ yếu là thanh niên, tụ tập liên hoan say rượu bia dẫn đến không làm chủ được tay lái. Chẳng hạn, khoảng 2h sáng một ngày tháng 10/2016, đang nằm trong nhà, ông nghe tiếng động mạnh ngoài đường. Vội chạy ra ngoài, ông thấy hai thanh niên nằm ôm chân tay kêu đau cạnh chiếc xe máy. “Cầm hộp cứu thương đến gần, tôi mới biết hai cậu này say rượu rồi bị ngã. Nhanh chóng cầm máu, dùng nẹp cố định chân tay bị gãy cho nạn nhân, sau đó, tôi nhờ các con đưa lên ô tô chở đến bệnh viện”, ông Sen nhớ lại.

Dù đã 71 tuổi, ông Sen vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và lái xe ô tô thành thạo. Ông tâm sự, nhiều trường hợp tai nạn xảy ra vào đêm muộn, rạng sáng hay có những nạn nhân khắp người chảy máu rất khó để gọi taxi hay nhờ người đưa đến bệnh viện. “Vì thế, việc có xe ô tô riêng giúp tôi dễ dàng đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời. Cũng có lần, nạn nhân chảy nhiều máu quá, rửa xe vẫn không hết mùi, tôi phải đi thay cả bộ bọc ghế của xe, tốn tiền nhưng vì làm được việc ý nghĩa nên tôi vẫn thấy vui”, ông Sen cười, chia sẻ.

Lật cuốn sổ ghi chép cẩn thận từng vụ TNGT, họ tên nạn nhân cùng tài sản tại hiện trường, ông Sen cho hay, từ lúc bắt đầu công việc này, chưa bao giờ ông để mất tài sản của nạn nhân. Còn nhớ, có lần ông trông giúp nạn nhân ở phường Thắng Lợi chiếc xe đạp, trong giỏ xe có chùm nhãn, dù mọi người bảo ông đưa cho các cháu ăn hay bỏ đi nhưng ông nhất quyết không. “Mấy tháng sau, người nhà nạn nhân xuống nhận lại xe, quả nhãn đã mọc mầm rồi”, ông Sen cười nói.

Không chỉ sơ cứu giúp nạn nhân TNGT mà ngay cả những người bị tai nạn lao động, ông Sen cũng nhiệt tình giúp đỡ mà không màng bất cứ điều gì. Với ông, được giúp đỡ mọi người là niềm hạnh phúc lớn lao. Chỉ tính riêng năm 2016, ông giúp được 6 nạn nhân bị tai nạn nặng qua cơn nguy kịch và sơ cứu cho 17 người đi đường bị va quệt nhẹ./.

Bà Dương Thị Khang, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Bách Quang cho biết, nhờ làm nhiều việc ý nghĩa, ông Sen được các cấp, ngành tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen trong công tác Chữ thập đỏ, được bà con chòm xóm vô cùng quý mến.

Ông Phạm Quang Huấn, Phó Chánh VP Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Sự có mặt kịp thời của ông Sen đã giúp giảm thiểu đáng kể những thiệt hại của TNGT, góp phần vào bình yên, an toàn đường phố”.