Từ nhiều năm nay, Quận 1 là nơi luôn dẫn đầu 24 quận/huyện ở TPHCM về kết quả thu BHXH, BHYT. Đây cũng là một trong 10 đơn vị trên cả nước đứng top đầu về kết quả thu. Riêng năm 2019, đạt tới hơn 7.500 tỷ đồng. Theo ông Phạm Việt Tiến, Giám đốc BHXH Quận 1, việc gia tăng số lao động tham gia BHXH, BHYT bắt buộc đối với Quận 1 dễ dàng thực hiện đạt kết quả cao, nhưng ngược lại, để số lượng HSSV tham gia BHYT học đường càng nhiều thì công việc này không hề đơn giản.

Trên địa bàn Quận 1 hiện có 45 cơ sở giáo dục các cấp, bao gồm công lập và ngoài công lập, song tính đến đầu tháng 3/2020 cho thấy, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT năm học 2019-2020 trên địa bàn quận chỉ đạt 83,48%, trong đó có hơn 10 trường chỉ đạt dưới 70% và một số trường dưới 80%...

“Cán bộ, viên chức thường xuyên đến từng cơ sở giáo dục làm việc cùng Ban giám hiệu để nắm bắt nguyên nhân, tăng cường phối hợp tổ chức truyền thông, vận động HSSV tại từng cơ sở giáo dục. Năm học mới này cũng đã có kế hoạch đối thoại, gặp gỡ sinh viên các trường, đặc biệt những trường còn có tỉ lệ tham gia thấp để phân tích làm rõ, giải đáp cho sinh viên”- ông Tiến cho biết.  

Đến giữa tháng 7/2020, tỷ lệ BHYT HSSV tại Trường ĐH Hoa Sen đạt 92,96%, còn Đại học Văn Lang đạt 92,67%. Riêng nhóm trường công lập các cấp học, tỷ lệ thu đạt từ 95% đến 99%. 

Bà Trần Thị Thu Thủy, chuyên viên phòng Đào tạo, trường Đại học Văn Lang cho biết, nhà trường đã phổ biến rộng rãi về việc tham gia BHYT bắt buộc nếu học tập tại trường. Trong đó cũng nhấn mạnh BHYT giúp sinh viên giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ngoại trú, nằm viện điều trị và phẫu thuật, cả trợ cấp tử vong. Theo đó, quy định mức đóng là 804.600 đồng, trong đó sinh viên đóng 70%, Nhà nước hỗ trợ 30%. Điều này góp phần tăng tỉ lệ HSSV tham gia BHYT, nhằm bảo đảm 100% số HS-SV tham gia, thuận tiện trong việc chăm lo sức khỏe cho HSSV.

“Nhờ những chính sách tiếp cận sinh viên, làm rõ lợi ích của BHYT, linh hoạt tùy từng hoàn cảnh của sinh viên để chia nhiều đợt, “kích hoạt” tinh thần vào cuộc của ban cán sự các lớp để vận động, nhắc nhở những sinh viên chưa đóng BHYT. Do vậy, tỉ lệ tham gia BHYT toàn trường tăng dần”- bà Trần Thị Thu Thủy chia sẻ.

Theo ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TPHCM, để tạo thuận lợi cho học HSSV và phụ huynh tiếp cận với BHYT, đơn vị đã có thông báo gửi đến các trường học trên địa bàn về phương thức đóng, mức đóng BHYT HSSV năm học 2020 - 2021. Theo đó, BHXH TPHCM tiếp tục để phụ huynh và học sinh có thể đóng theo 4 phương thức: 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng/lần. Điểm đáng lưu ý là HSSV tại TPHCM tiếp tục được ngân sách hỗ trợ 30% mức đóng BHYT trong năm 2020-2021.

“Đối với trường hợp HSSV năm đầu cấp hoặc đã tham gia BHYT gián đoạn trong năm học trước đó thì có thể tham gia BHYT ngay từ đầu năm học. Đặc biệt khi nhà nước điều chỉnh mức lương cơ sở, tỷ lệ đóng BHYT, người tham gia và ngân sách nhà nước không phải đóng bổ sung, không được hoàn trả phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng BHYT, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng BHYT”- ông Mến cho biết.

Cũng theo ông Mến, nhiều năm qua, việc vận động học sinh, sinh viên tham gia BHYT chưa đạt như mong muốn, nhiều trường dân lập tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia chưa cao (tỷ lệ đạt khoảng 90%). Vì vậy, BHXH TP chủ động phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Phòng GD-ĐT phối hợp với cơ quan BHXH giao chỉ tiêu tham gia BHYT HSSV đối với từng đơn vị trường học, nhất là các đơn vị ngoài công lập; đưa tiêu chí tỉ lệ tham gia BHYT HSSV là một trong các tiêu chí công nhận các danh hiệu thi đua, khen thưởng cũng như đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và chấp hành pháp luật của HSSV. Riêng đối với những trường có tỉ lệ HSSV tham gia thấp dưới 90%, BHXH TP gửi danh sách cho Sở GD-ĐT để tham mưu UBND Thành phố có văn bản chấn chỉnh.

 “Hiện còn khoảng 3% sinh viên chưa tham gia BHYT, tương đương khoảng 150.000 em vì một số trường ngoài công lập chỉ tập trung thu những sinh viên năm đầu mà bỏ sót sinh viên năm cuối. Khắc phục hạn chế này, cán bộ cơ quan BHXH sẽ đến các trường cao đẳng, đại học có tỷ lệ tham gia BHYT thấp để đối thoại trực tiếp với sinh viên, vận động các em tham gia BHYT”- ông Mến cho hay./.