Sáng 24/10, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã trang nghiêm tổ chức lễ truy điệu và cung tống kim quan Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Đức Pháp chủ GHPGVN tại Tổ đình Viên Minh (chùa Ráng), xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. 

Lễ truy điệu và cung tống kim quan Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam được kết nối từ điểm cầu chính tại Tổ đình Viên Minh, Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội TP. HCM và các điểm cầu lễ tưởng niệm tại Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành và các tòng lâm tự viện tổ đình trong cả nước.

Thực hiện di huấn của Đức Pháp chủ: “không tổ chức tang lễ linh đình, nghi lễ hết sức giản đơn, ngắn ngày theo truyền thống đạo Phật…”, lễ truy điệu và lễ cung thỉnh kim quan nhập bảo tháp được thực hiện đơn giản, xúc động.

Hiện diện cử hành nghi lễ tại Tổ đình Viên Minh có Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tổ chức lễ tang; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự,... cùng các chư tăng ni, phật tử. 

Tham dự buổi lễ còn có ông Phạm Tất Thắng, Uỷ viên BCH TƯ Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ,...

Tại lễ truy điệu, thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã tuyên đọc lời tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Pháp chủ Thích Phổ Tuệ trước lúc cung thỉnh kim quan nhập bảo tháp.

"Hơn trăm năm thác tích trần hoàn, Ngài đã thắp sáng tâm đăng bao thế hệ. Từ thuở đồng chân nhập Đạo, Ngài một lòng tinh tấn tu hành, đèn trí tuệ ngày thêm sáng tỏ.

Dù lúc gian nan cuốc đất trồng rau trong hợp tác xã nông nghiệp, hay khi được Giáo hội suy tôn ngôi vị Pháp chủ tối cao, Ngài vẫn một lòng sống cảnh thanh bần thủ Đạo. Trong trượng thất đơn sơ, dưới mái chùa cổ kính, dù thời tiết đổi thay, dù thế cuộc xoay vần, Ngài vẫn nghiêm trang cốt cách thoát tục: Tay lần tràng hạt, miệng niệm Nam-mô. Câu kinh vàng của Phật Tổ Tam Kinh, lời niệm Phật của đức Pháp chủ đã trở thành hơi thở của Giáo hội, truyền lưu mạng mạch Phật pháp. Ngài đã âm thầm gìn giữ ngọn đèn trí tuệ của đức Như Lai được Tổ tương truyền.

Ngài đều dạy: Nhất tâm niệm Phật. Thân giáo và khẩu giáo của Ngài đã thắp sáng niềm tin chánh pháp cho bao người con Phật. Đặc biệt, trước lúc từ bỏ huyễn thân, lo lắng cho kỷ cương của Giáo hội, Ngài ân cần chỉ dạy chúng con thành lập Hội đồng Giám luật. Chúng con đã hoàn thành tâm nguyện cao cả của đức Ngài. Đó là di sản vô giá Ngài để lại cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau...". 

Theo Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, cuộc đời đạo hạnh của Đại lão Hòa thượng Pháp chủ Thích Phổ Tuệ đạt được ba điều mà ai ai cũng đều cúi đầu kính ngưỡng, đó là ngôi vị cao nhất, tuổi thọ dài nhất, đức độ sáng nhất. Các đệ tử nguyện mãi noi tấm gương sáng ngời giới đức của Ngài, tiếp tục thực hiện di nguyện của Đức Pháp chủ để xây dựng và phát triển ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng hưng thịnh, trang nghiêm trong lòng dân tộc.

Cũng trong sáng 24/10, tại Thiền viện Quảng Đức - Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở TP.HCM, chư tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Trị sự GHPGVN T.P Hồ Chí Minh; đoàn lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Nguyễn Văn Nên làm trưởng đoàn đã đến dự Lễ tưởng niệm, dâng hương kính viếng Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ.

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, thế danh Bùi Văn Quý, sinh ngày 12/4/1917 tại thôn 5, xã Phùng Thiện, tổng Bồng Hải, nay là thôn Phùng Thiện, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ngài là vị cao tăng uyên thâm Phật pháp, đức trí vẹn toàn, có nhiều đóng góp to lớn, là tấm gương quy tụ tăng ni, phật tử đoàn kết, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam vững vàng phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", giữ vững truyền thống "Hộ quốc, an dân" của Phật giáo Việt Nam.

Trên ngôi vị tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài vẫn sống thanh bần, ung dung, tự tại tại ngôi cổ tự giữa vùng chiêm trũng đồng bằng Bắc Bộ. Ngài tụng kinh viết sách, cùng chư tôn đức mở trường Phật học, đào tạo tăng tài và dành cả cuộc đời cho sự nghiệp biên soạn, chú giải Đại Từ điển Phật học, hiệu đính Đại tạng kinh. Hòa thượng Thích Phổ Tuệ luôn được tăng ni, phật tử, quần chúng nhân dân hết lòng kính ngưỡng. 

Với những cống hiến cao quý, Ngài đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Đại Đoàn kết dân tộc; được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhiều Bằng Tuyên dương công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Hơn 1 thế kỷ nơi cảnh thiền môn, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đi trong niềm kính tín và tiếc thương vô hạn của môn đồ tứ chúng, tăng ni, đồng bào Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước vào lúc 3h22' ngày 21/10/2021 (ngày 16 tháng 9 năm Tân Sửu) tại Tổ đình Viên Minh (chùa Ráng), xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội. 

Qua 105 năm trụ thế, 85 hạ lạp, với đức độ, sự khiêm cung, giản dị, Ngài đã để lại cho hậu thế bài học quý giá về nếp sống và đạo phong của một bậc chân tu, thực học; cũng như đã có những đóng góp lớn lao cho đạo pháp và dân tộc. 

Những ngày qua, trụ sở GHPGVN các cấp, các chùa, cơ sở tự viện cả nước đã tổ chức lễ trì tụng kinh, tưởng niệm, thành kính tri ân Đức Pháp chủ GHPGVN – Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ.

Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh để tìm được một người như hòa thượng Đức Pháp chủ là rất khó: "Cụ giữ được nề nếp của các tổ sư Phật giáo hàng nghìn năm. Thông qua cuộc sống tu tập đạo hạnh của cụ, còn thấy phảng phất hình ảnh các bậc tổ sư, thánh tăng của Phật giáo Việt Nam. Cụ mang trí tuệ xuất chúng nhưng lại giữ nếp sống giản dị, an bần, thủ đạo. Nếp chân tu như thế, rất khó kiếm" - thượng tọa Thích Đạo Hiển nói.

Tại Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội và gần 600 Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội thành kính đảnh lễ và tri ân công đức to lớn của Đức Pháp chủ GHPGVN cho Đạo pháp - Dân tộc cũng như sự nghiệp đào tạo Tăng tài.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết chia sẻ: “Sự ra đi của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ là sự tổn thất to lớn của Рhật giáo nước nhà. Từ những năm còn trẻ đến những giây phút cuối cùng của đời mình, ngài vẫn giữ một lối sống khiêm nhường, thanh tao.

Trải qua biết bao thời kỳ gian khó, chiến tranh của đất nước, đến khi đảm nhiệm chức vị cao nhất của Giáo hội, ở ngôi vị nào ngài cũng sống giản dị. Ngài từng đảm nhiệm chức vụ Phó ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội nên rất tâm huyết với việc giáo dục Tăng, Ni. Ngài là một nhà giáo dục Phật giáo lớn, là tấm gương sáng cho hàng hậu học noi theo”. Đức Pháp chủ ra đi nhưng cuộc đời đức hạnh mãi hằng hữu trong trang sử của Phật giáo Việt Nam. 

 

Sau lễ truy niệm, hàng trăm chư tăng ni, Phật tử đứng hai bên đường cung nghinh kim quan Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ nhập Bảo tháp tại khuôn viên Tổ đình Viên Minh (chùa Ráng), xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội./.