Chỉ trong vài ngày đã liên tiếp xảy ra những vụ việc đau lòng liên quan đến học sinh. Đó là vụ đánh hội đồng bạn học tại Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) và trước đó là vụ xâm hại tình dục tập thể một học sinh lớp 10 ở Quảng Trị. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, đây là những sự việc đau lòng, tiếp tục gióng lên hồi chuông về sự suy đồi đạo đức ở một bộ phận học trò và trách nhiệm không của riêng ai.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội). (Ảnh: Dân trí) |
Ông Đặng Hoa Nam cho biết: “Vấn đề tâm lý học đường cần phải làm cấp bách và dạy kỹ năng phòng ngừa, kỹ năng lên tiếng cho học sinh có nguy cơ là nạn nhân của bạo lực. Chúng ta phải tăng cường hơn nữa và cập nhật những kiến thức, những vấn đề ngoài xã hội vào để hướng dẫn cho các em. Trong trường học ngoài việc dạy những kiến thức cơ bản thì cần phải dạy các em những kỹ năng nào đối phó những vấn đề mà xã hội đang nổi lên. Đó là những cái trong ngành giáo dục cần phải ưu tiên triển khai, thứ hai là phải có chiến lược, kế hoạch lâu dài để phòng ngừa tích cực cho những hành vi bắt nạt và bạo lực học đường”.
Liên quan đến vụ việc một học sinh lớp 10 ở Quảng Trị nghi bị 6 nam sinh hiếp dâm tập thể, ngày 26/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Triệu Phong đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 nam sinh THPT để điều tra việc hiếp dâm tập thể đối với nữ sinh lớp 10. Đối với vụ việc này, ông Đặng Hoa Nam cho biết, nạn nhân và thủ phạm đều đã vượt quá tuổi trẻ em và thủ phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Hiện Cục Trẻ em chỉ có thể hỗ trợ gia đình nạn nhân về mặt tâm lý. Tuy nhiên, vụ việc đau lòng này cho thấy khoảng trống về dạy kiến thức pháp luật, giáo dục giới tính cho lứa tuổi học sinh, cho các bạn trẻ đang độ tuổi phát triển đang rất tò mò, hiếu kỳ. Vì thế, nhiều em không ý thức được mình sẽ bị trừng phạt thế nào khi có hành vi xâm hại bạn khác.
Ông Đặng Hoa Nam nói: “Đối với bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em nói chung thì phải tăng cường phổ biến nhiều hơn nữa trong trường học và cộng đồng xã hội. Thông thường khi sự việc xảy ra thì đưa tin rất chi tiết nhưng nhưng khi vụ việc được xử lý thì các cơ quan truyền thông ít khi mổ xẻ quy định của pháp luật, chế tài và những biện pháp đã được áp dụng đối với thủ phạm và tội phạm. Do đó phải truyền thông tốt hơn để vừa có tính giáo dục vừa có tính răn đe”
Đối với vụ việc học sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên nói riêng và nhiều vụ việc liên quan đến trẻ em, ông Đặng Hoa Nam đề nghị các cơ quan truyền thông không đưa tin và hình ảnh quá chi tiết gây tổn hại tinh thần nạn nhân./.
Chú của nữ sinh bị đánh: Cháu bị bắt nạt nhiều lần mà không ai giúp