Tại cửa biển An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên từ đầu mùa mưa đến nay, cát biển thường xuyên bồi lấp. Hàng trăm mét khối cát bồi lắng, tạo thành những bức vách ngăn nước từ phía trong đầm Ô Loan đổ ra biển. Cửa biển này là nơi thoát lũ cho 4 xã thuộc huyện Tuy An. Thế nhưng, hàng năm, cửa thoát lũ này lại bị bồi lấp nghiêm trọng, chính quyền địa phương đã huy động người dân khơi thông dòng chảy.

Ngoài sử dụng sức người, các hộ dân còn thuê xe múc di chuyển khối lượng cát bồi lấp khu vực cửa biển An Hải. Người dân đã khơi thông được lạch rộng 5m, dài 40m. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài, lượng cát bồi lấp cửa biển quá lớn nên việc sử dụng sức người và các xe múc nhỏ để khơi thông cửa biển chẳng thấm vào đâu.

Ông Phạm Công Tắc, ở xã An Hoà Hải, huyện Tuy An, Phú Yên lo lắng: “Vừa rồi ở An Ninh Đông, lượng cá mú họ nuôi rất lớn cho nên cá chết rất nhiều. Bà con thấy nóng ruột nên tự góp tiền, tự đóng tiền mướn xe để khơi thông cho nước biển thông vô như này mới dưỡng lại được lượng cá, chứ nếu không thì thiệt hại cũng lớn”.

Vùng nuôi thôn Phú Lương, huyện Tuy An có 135 hộ nuôi thủy sản. Các năm trước, sản lượng cá nuôi đạt trọng lượng thương phẩm được người dân xuất bán trước mùa mưa bão. Năm nay, do dịch Covid-19 kéo dài, hầu hết các hộ dân nuôi cá lồng đều chưa xuất bán được cá thương phẩm, phải chịu lỗ. Huyện Tuy An nổi tiếng là nơi nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên, đem lại nguồn thu nhập cho 1/3 số hộ dân sống quanh đầm Ô Loan. Vì thế, khi cửa biển An Hải bị bồi lấp, nước từ trong đầm không thoát được ra ngoài gây nên tình trạng ô nhiễm khiến thủy sản nuôi bị thiệt hại.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết: “Huyện ủy, UBND huyện cũng đã tính toán giải pháp  bền vững không để năm nào cũng phải khơi thông. Tuy nhiên, muốn làm được kè, cửa khơi thông này  thì cần lượng kinh phí rất lớn”.

Cửa biển An Hải hàng năm đều bị bồi lấp, địa phương đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng khơi thông cửa biển An Hải khi mực nước lũ về mức báo động III. Chính quyền địa phương cũng đã lên kế hoạch đưa công trình kè biển này vào chương trình đầu tư công dài hạn đến năm 2025. Trong lúc chờ được xây dựng kè biển kiên cố, người dân nơi đây phải chấp nhận cắt giảm thời gian nuôi thủy sản vào những tháng cuối năm để tránh thiệt hại./.