Trao đổi với phóng viên VOV, ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ cho biết: Sau khi xác định bệnh nhân Nguyễn Thị Tư, 84 tuổi quê ở Vĩnh Long bị nhiễm cúm A H1N1, bệnh viện tiến hành cách ly và điều trị bằng thuốc đặc hiệu tamiflu, sau 2 ngày tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ: hết sốt, bớt ho, tươi tỉnh trở lại và ăn uống khá hơn.

Bệnh viện tiếp tục điều trị tamiflu đủ liều 7 ngày kể từ ngày xác định bị nhiễm cúm. Đến hôm nay, tình trạng lâm sàng bệnh nhân ổn định nên bệnh viện đã cho tiến hành làm thủ tục ra viện lúc lúc 10 giờ sáng 16/6.

Đối với 3 trường hợp nhân viên y tế của Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ nghi lây nhiễm cúm do có tiếp xúc với bệnh nhân Nguyễn Thị Tư, đã được bệnh viện cho cách ly nghỉ theo dõi sức khỏe tại nhà. Đến nay, sức khỏe của họ cũng đã hồi phục và trở lại làm việc bình thường.

vov_nhiem_cum_1_zefd.jpg
Bệnh cúm có thể gây nguy hiểm đối với những người có bệnh lý mãn tính về tim mạch, hô hấp.

Bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa cho biết thêm: Đối với trường hợp bệnh nhân nhiễm cúm có kèm theo bệnh lý nền nên kịp thời đưa đến cơ sở y tế để được điều trị đúng, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Sức khỏe bệnh nhân Nguyễn Thị Tư, hồi phục tốt biểu hiện lâm sàng ổn định.

Tuy nhiên, cúm có thể gây nguy hiểm đối với những người có bệnh lý mãn tính về tim mạch, hô hấp và người có hệ miễn dịch kém như: người già, trẻ em, phụ nữ mang thai. Do đó, mọi người không được chủ quan lơ là. Bệnh viện cũng đã tiến hành phun xịt khử trùng khu vực bệnh viện để phòng tránh lây nhiễm tại đơn vị.

“Quan trọng là đừng để lây lan, nếu để lây lan dễ bùng phát thành dịch. Một người có thể lây qua hai người, rồi lây qua 4 người, lây theo cấp số nhân. Nếu phòng bệnh tốt thì khả năng lây cũng đã giảm rất nhiều. Cúm này gây nguy hiểm như cúm A/H5N1”- bác sỹ Nguyễn Văn Nghĩa cho biết./.