Thông tư 57 của Bộ Công an hướng dẫn trang bị phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/1/2016. Tuy nhiên, ngay sau khi Thông tư có hiệu lực đã và đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều về tính pháp lý và tính thực tiễn. Trước thực trạng này, Bộ Công an đã quyết định chưa xử phạt ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên nếu thiếu bình chữa cháy.

Ngay khi có hiệu lực, Thông tư 57 gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội, đa số ý kiến cho rằng quy định này chỉ nên áp dụng đối với loại xe chở hàng hóa và vật liệu dễ cháy nổ, còn đối với ô tô con để bình chữa cháy là lợi bất cập hại.

binh_chua_chay_dpdo.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra thiết bị PCCC trên xe chở xăng, dầu về an toàn kỹ thuật

Ông Nguyễn Mạnh Hùng ở Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, khi lái xe trên đường mà xảy ra cháy, hầu như không có ai có đủ bình tĩnh lấy bình cứu hỏa dập lửa mà đều cố gắng chạy thật nhanh ra ngoài để cứu tính mạng của mình trước tiên. Lúc này, bình cứu hỏa không những không lấy được, mà còn có khả năng làm ngọn lửa bùng lên lớn hơn. Cũng theo ông Hùng, do quy định bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô thì mọi người phải thực hiện, nhưng với tính chất trang bị cho có để đối phó với lực lượng chức năng.

Anh Nguyễn Văn Linh ở quận Long Biên – Hà Nội cho rằng, việc trang bị bình chữa cháy cho xe ô tô từ 4 chỗ trở lên thực tế không có nhiều nước áp dụng. Theo anh, ngay cả các nước phát triển hay thậm chí tại các quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu thì luật quy định trang bị bình chữa cháy cũng không bắt buộc. Vì vậy, khi chúng ta bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy cho xe ô tô là không hợp lý.

Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an cho rằng, Thông tư 57 là một chính sách mới tác động tới nhiều người trong xã hội, nên không tránh khỏi được những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, phải khẳng định mục đích của Thông tư là hướng tới bảo đảm an toàn tính mạng cho người ngồi trong xe.

Việc có bình chữa cháy trên xe cũng góp phần giúp cho người sử dụng phương tiện giao thông cơ giới có phương án, phương tiện để kịp thời xử lý cháy, nổ của ô tô ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Cũng theo Đại tá Đoàn Hữu Thắng, về thời gian áp dụng xử phạt, theo đúng luật là từ 6/1 là ngày quy định có hiệu lực thì có thể xử phạt luôn nhưng để người dân có thời gian nắm rõ, trước mắt, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cảnh sát giao thông mới chỉ tiến hành kiểm tra, nhắc nhở. Khi nào điều kiện phù hợp sẽ tiến hành xử lý theo quy định./.