Có mặt ở xóm Bụi (phường Phúc Xá, quận Ba Đình) – khu trọ của những người lao động tự do vào 9h sáng, một không khí vắng vẻ, ảm đạm bao trùm. Đáng nhẽ ra, thời điểm này, người dân trong khu trọ í ới nhau đi lấy hàng ở chợ Long Biên, chuẩn bị hoa quả, rau củ để đi bán. Thế nhưng, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội, nhiều gia đình đã khóa cửa phòng trọ đi về quê, chỉ lác đác một số người vẫn còn bám trụ lại đất Thủ đô, cố gắng kiếm từng đồng để có chi phí chi trả tiền thuê nhà, điện nước.
Tiền phạt nhiều hơn tiền bán rau
Tháng 7/2020, chị Nguyễn Thị Nhàn (xã Minh Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội) xuống nội thành Hà Nội để tập tành buôn bán hàng rong, kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình. Cuộc sống vẫn diễn ra như bình thường cho đến khi dịch đợt Covid-19 tiếp tục bùng phát, lực lượng chức năng ra quân giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, con đường kiếm sống của chị tại đất Thủ đô cũng trở nên mong manh.
Trò chuyện cùng chị, chốc chốc chị lại nhìn đồng hồ và nói “tôi chờ thằng con thứ 2 đang đi làm thêm ở chợ Đồng Xuân về ăn cơm, rồi tôi lại về quê, chờ ngày hết dịch, tôi lại xuống Hà Nội bán hàng”.
Năm 2014, chồng chị bị tai nạn lao động, anh bị gãy chân không đi lại được. Lúc đó, chị Nhàn phải túc trực bên chồng, ai thuê gì ở gần nhà thì tranh thủ đi làm để có tiền thuốc men. Ruộng nương ở quê không còn nữa, chỉ có một mảnh đất thuê không đủ nguồn sống cho cả nhà.
Các con của chị lần lượt nghỉ học. Con trai đầu học hết lớp 7, thấy bố bệnh nặng, cậu quyết định đi làm thuê cho người ta, lúc đi hàn xì, lúc đi đóng gạch… Còn cậu con trai thứ 2, học hết lớp 9 rồi nghỉ. Cậu theo bạn bè xuống Hà Nội xin việc làm thêm bán giày dép ở chợ Đồng Xuân, mỗi tháng được 5 triệu đồng.
“Con trai xuống Hà Nội làm, tôi sợ cháu tụ tập bạn bè rồi hư hỏng nên tôi đi cùng cháu để kèm cặp. Với lại vài năm gần đây, anh nhà tôi đã có thể tự đi lại được, có thể nấu cơm, tôi đi làm xa cũng an tâm hơn”, chị Nhàn tâm sự.
Xuống Hà Nội, 2 mẹ con chị Nhàn thuê nhà ở xóm trọ dưới chân cầu Long Biên. Sáng ra chị ra chợ lấy các mặt hàng rau củ để đi bán. Phương tiện duy nhất hỗ trợ chị là chiếc xe đạp cũ. Mỗi ngày chỉ chất lên đó nào rau củ, hành, ớt cay… rồi đạp xe đến gần chợ Thành Công (Q. Ba Đình) để bán. “Tôi đi bán rau cỏ linh tinh, hôm nhiều thì được 100.000 đồng, có hôm chỉ có 30.000-50.000 đồng. Những ngày dịch như thế này, tôi không dám lấy hàng nhiều, cũng chẳng dám bước ra khỏi nhà vì sợ bị phạt”, chị Nhàn chia sẻ.
Với chị Nhàn, những ngày lên Hà Nội bán là những ngày phải “chạy” công an đến “mệt cả người”. “Ở chợ cóc Thành Công, quanh năm công an đuổi. Đã có lần tôi bị phạt 150.000 đồng. Hôm qua, tôi bị tịch thu hết hàng, chỉ còn người và xe đạp. Tôi cũng sợ lắm. Thôi thì, dịch như thế này, tôi quyết định về quê, đợi dịch ổn thì tôi lại xuống bán hàng”.
Nếu ở lại Hà Nội lúc này, chị Nhàn chẳng biết làm gì. Nếu đi bán rong thì tiền phạt chẳng bù lại cho tiền bán, thôi thì “cuộc sống mình nghèo mãi cũng quen rồi. Cố gắng đi chợ được đồng nào hay đồng đấy, không thì lại về quê tìm việc làm thuê, chăm sóc chồng mỗi lúc trái gió trở trời”, chị Nhàn chia sẻ.
Nghỉ bán hàng rong, bám trụ Thủ đô
Những ngày chưa có dịch Covid-19, anh Hoàng Văn Tuấn (Ba Vì, Hà Nội) vẫn ngày ngày đi xe máy chở cam từ Long Biên (Hà Nội) đi đến khu Đại Phúc, Khả Lễ (Bắc Ninh) để buôn bán. Anh chẳng có nơi bán cố định, chỉ nghĩ rằng, ở đó có khu công nghiệp thì buôn bán dễ hơn. Công việc vẫn đều giúp anh thu về từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày, trừ chi phí đi, mỗi tháng anh có được từ 5-6 triệu đồng.
Làm công việc bán hàng rong như thế này cũng đã được 3 năm, với anh Tuấn “chưa bao giờ việc kiếm tiền lại trở nên khó khăn như 2 năm trở lại đây”. Đáng nhẽ ra, mỗi sáng sớm anh thường dậy từ 2-3 giờ sáng để đi lấy hàng ở chợ, sau đó đánh xe đến Bắc Ninh bán cho người dân ở các khu công nghiệp. Thế nhưng những ngày gần đây, nhận biết tình hình dịch bệnh ở tỉnh này đang nguy hiểm, anh quyết định ở nhà trọ. Bản thân anh cũng rất muốn về quê, nhưng “dịch dã như thế này tôi cũng muốn về nhà lắm, nhưng về rồi chắc gì đã dám ra đường mà người ở quê thì hay lo lắng. Thôi thì cứ ở dưới này cho an toàn”, anh Tuấn cho biết.
Nhận thấy công việc buôn bán hoa quả cũng có chút lời lãi, anh đưa cả vợ và chị gái xuống Hà Nội. Bởi theo anh, ở quê làm nông nghiệp vất vả, thu nhập thì chẳng có, làm được bao nhiêu, cũng chỉ đủ ăn. Thế nên còn ít đất ruộng ở nhà, anh Tuấn cho người khác thuê để làm. Cả nhà anh gồng gánh xuống thủ đô thuê trọ. Anh Tuấn cùng chị nhà đi buôn bán hoa quả nuôi 2 cô con gái đang học đại học tại Hà Nội.
Mặc dù dịch dã không đi chợ được, đã 5 ngày anh không đi bán hàng, chẳng có đồng ra đồng vào trong khi chi phí sinh hoạt ở nội thành Hà Nội đắt đỏ, nhưng với anh Tuấn “đây là khó khăn chung. Nếu hôm nay mình không đi chợ được không có tiền thì sẽ kiếm vào lần khác, thôi thì mình giữ gìn con người, sức khỏe của mình trước đã”.
Tranh thủ bán nước vào ban đêm
Bà Lưu Thị Bình (quê huyện Yên Phong, Bắc Ninh) năm nay đã gần 80 tuổi. Bà lên Hà Nội sinh sống cũng đã được 14-15 năm, công việc chủ yếu là bán nước ở điểm xe buýt trước cổng chợ Long Biên.
Bà Bình lên Hà Nội bán nước, 2 lần bị tai nạn giao thông, chân gãy phải điều trị trong bệnh viện Việt Đức một thời gian dài. “Thần chết đã bao lần muốn lấy mạng tôi mà vẫn chưa lấy được”, bà nói.
Vượt lên nghịch cảnh, bà lại quay về bán nước, thuê một căn nhà nhỏ ở xóm Bụi để làm chỗ nghỉ ngơi. Cứ 6 giờ tối bà lại kéo xe nước đi bán đến 4 giờ sáng hôm sau mới về. “Tôi bán được ít nhất ở khu này vì già rồi. Có hôm được 30.000-50.000 đồng, hôm nhiều là được 100.000 đồng”, bà nói.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này, người bán trà đá vỉa hè như bà cũng chẳng biết bấu víu vào ai. Ban ngày lực lượng công an ra quân giải tán các điểm hàng nước, trà đá vỉa hè, chợ tạm, chợ cóc. Tối đến bà mới “dám” kéo xe nước ra trước chợ Long Biên để bán.
Dịch dã, lượng người và xe cộ về ít, bà cũng chẳng bán được bao nhiêu. Thậm chí có lúc cũng phải đổ cả đi vì “hôm qua, hôm kia, mua đá xong rồi, trận mưa ào ào trút xuống thì cũng phải đổ đi. Hay khi tôi vừa đun xong nồi nhân trần, mưa to gió lớn cả đêm, cũng phải đổ bỏ”, bà Bình cho biết.
Là người cũng thuộc tốp già cả nhất trong khu xóm Bụi, bà Bình cũng chỉ biết động viên mình và mọi người rằng “dịch như này mình qua được là mừng lắm rồi. Bây giờ kiếm được đồng nào thì kiếm, không kiếm được thì ở nhà giữ lấy cái sức khỏe trước đã”.
Ngoài kia còn biết bao nhiêu hoàn cảnh như cụ Bình, chị Nhàn, anh Tuấn. Dù cuộc sống khó khăn, dù điều kiện không cho phép, nhưng với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, họ cũng phải học cách chấp nhận thực tại và mong muốn bình an vượt qua đại dịch./.