Bộ Xây dựng vừa báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển nhà ở dành cho công nhân tại KCN. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha, trong đó 116 dự án đã hoàn thành với diện tích hơn 250ha. Riêng công nhân khu công nghiệp, diện tích nhà chỉ đủ bố trí cho hơn 330.000 người, đáp ứng khoảng 39% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2020.
Theo thống kê, hiện Hà Nội có 9 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 160.000 lao động. Tuy nhiên, chỉ mới có 3 khu công nghiệp: Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân, các KCN còn lại đều chưa có. Đơn cử như tại KCN Quang Minh, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh có hàng chục nghìn công nhân làm việc, tuy nhiên cho đến nay KCN này vẫn chưa có dự án nhà ở cho công nhân. Họ phải đi thuê trọ ở các nhà dân quanh thị trấn - nơi điều kiện sinh hoạt không đảm bảo hoặc về khu công nhân gần KCN Bắc Thăng Long để thuê ở.
Qua khảo sát thực tế, việc các KCN xây dựng được các khu nhà ở cho công nhân góp phần rất lớn hỗ trợ họ yên tâm làm việc. Tại khu nhà ở công nhân tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, một công nhân làm việc tại nhà máy Canon, cho biết, công ty đã thuê cả tòa nhà làm ký túc xá cho công nhân. Mỗi tháng, mỗi người chỉ phải đóng 40.000 đồng cho mọi chi phí. Đây là hỗ trợ rất tốt đối với công nhân.
Tuy nhiên, việc bố trí theo kiểu ký túc xá ở chung 8 người một phòng phát sinh nhiều bất cập trong sinh hoạt. Dù cùng công ty nhưng ở bộ phận phân xưởng khác nên không biết nhau. Công nhân phải chấp nhận ở ghép không được tự sắp xếp những người biết nhau ở chung. Vì thế trong sinh hoạt dễ nảy sinh va chạm, thiếu sự đồng cảm, chia sẻ. Chưa nói tới mất vặt xảy ra dẫn đến nghi ngờ nhau.
Chị P, một công nhân làm việc tại KCN Thăng Long cho hay: “Trước đây tôi ở ký túc xá khu nhà 5 tầng. Khi có gia đình hai vợ chồng được tạo điều kiện thuê một căn ở tòa CT1A. Nay chuẩn bị có thêm thành viên thứ hai. Hết dịch bệnh gia đình đón bà ngoại lên để trông cháu nên 2 vợ chồng tính ra ngoài thuê để vừa ở, vừa có chỗ bán hàng tạp hóa kiếm thêm thu nhập”.
Nhà ở cho công nhân với nhiều tiện lợi, tuy nhiên đối với công nhân mới đi làm sẽ rất khó có thể xin vào khu nhà ở công nhân bởi những khu nhà này thường xuyên kín chỗ. Rất nhiều công nhân phải chấp nhận thuê trọ bên ngoài nhà dân dù điều kiện sinh hoạt, giá thuê nhà... không bằng. “Ở trọ trong dân cư có nhiều thứ không được như trong khu công nhân như có không gian rộng thoáng đi bộ thư giãn và quan trọng được công ty hỗ trợ phần lớn tiền thuê nhà”- Chị P nói
Nhà ở công nhân nhu cầu lớn, nguồn cung thiếu
Theo bà Lê Thị Vân Huyền, Chủ tịch UBND xã Kim Chung, trên địa bàn xã có 29.000 nhân khẩu với khoảng trên 16.000 công nhân tạm trú. Theo bà Huyền, về cơ bản khu nhà ở công nhân trên địa bàn xã đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân. Đa phần công nhân vào hết khu nhà ở công nhân của Thành phố để thuê ở bởi ở đó có điều kiện hạ tầng tiện lợi hơn. Nhà trọ dân cho thuê trên địa bàn xã đa phần đã cũ, thời gian sử dụng đã lâu, xuống cấp nên có rất ít công nhân thuê ở.
Về giá thuê tại các khu nhà ở công nhân này cũng tùy thuộc vào việc công nhân muốn vừa có nơi ở, vừa có thêm mặt bằng để cho người nhà buôn bán được thì giá đắt hơn, hoặc một số người thuê trọ nhưng không đi làm công nhân mà trực tiếp bán hàng. Còn những nhà ở thuê trên tầng chỉ ở rẻ hơn.
Hệ thống trường học từ mầm non đến cơ sở cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của con công nhân học. “Kim Chung có đầy đủ trường học, mỗi thôn đều có trường mần non. Vừa qua cũng đã hoàn thành xây dựng thêm mấy trường. Bên cạnh đó, hệ thống trường tư thục, trường dậy nghề, bệnh viện đáp ứng cho khám chữa bệnh. Nhà văn hóa cộng đồng của công nhân tại khu nhà ở công nhân vừa hoàn thành”, bà Huyền cho biết.
Hiện khu nhà ở công nhân tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh có 28 tòa gồm 4 tòa 24 tầng và 24 tòa 5 tầng với công năng cho thuê 11.500 người về cơ bản đã được lấp đầy. Tuy nhiên số chỗ ở này vẫn chỉ như muối bỏ bể so với nhu cầu. Nhiều công nhân tại đây vẫn phải đi thuê trọ tại các khu vực dân cư xã Kim Chung với điều kiện sinh hoạt không đảm bảo, nhà trọ xập xệ, ẩm thấp, nước ngập nhiều ngày mỗi khi trời mưa.
Đại diện Xí nghiệp quản lý và Phát triển nhà ở xã hội (Công ty TNHH Một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội) đơn vị quản lý khu nhà ở công nhân tại thôn Bầu, xã Kim Chung cho biết, thủ tục thuê nhà ở tại khu nhà ở công nhân ở nhà cao tầng hay thấp tầng đều như nhau không có gì là khó khăn. Đơn vị cho thuê phải nắm hồ sơ người thuê có xác nhận của công ty làm việc để đúng đối tượng người thuê là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp. Giá thuê nhà cao tầng và thấp tầng đều theo sở tài chính quy định.
“Thực tế các tòa nhà sau 10 năm sử dụng một số chỗ đã xuống cấp như: phòng thấm dột, nước thải tắc, chưa đấu nối ra hệ thống cống chung... Xí nghiệp đã đề xuất sửa chữa nhiều lần nhưng do phải chờ phê duyệt từ cơ quan chức năng nên vẫn chưa được khắc phục kịp thời”- vị này nói.
Nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.
Bên cạnh đó, các địa phương cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội; đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn./.