Tại Hà Nội,đến ngày 22/2, tỷ lệ công nhân trở lại làm việc sau Tết tại các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đạt 98-99%.

Theo ghi nhận của phóng viên VOV, tại các khu công nghiệp như Bắc Thăng Long (Đông Anh), Quang Minh (Mê Linh), Hanel, Cụm công nghiệp Ninh Hiệp (Long Biên), hầu hết các công nhân đã trở lại làm việc từ ngày 21/2 (tức mùng 6 Tết).

vov_cong_nhan_2_2__vilt.jpg
Công nhân của Công ty TNHH May mặc Vit-Garment.

Trong đó, một số công ty có lượng lao động lớn, tỷ lệ công nhân đi làm trở lại sau Tết đạt khá cao như: Công ty TNHH Sowa Việt Nam, công ty TNHH điện tử Meiko, Công ty TNHH điện tử Asti.

Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho rằng, mặc dù năm nay số ngày nghỉ Tết ít hơn năm ngoái nhưng tỷ lệ công nhân trở lại làm việc sau Tết rất cao do công việc, thu nhập ổn định, chính sách đãi ngộ cho người lao động của chủ doanh nghiệp được cải thiện như: tăng lương, thưởng, hỗ trợ đưa đón miễn phí cho công nhân lao động về quê trước và sau Tết.

Điều này đã khích lệ người lao động, giúp họ yên tâm, gắn bó với công việc và quay trở lại làm việc ngay từ những ngày đầu năm mới.

Chính sự chăm lo của các cấp công đoàn với người lao động đã phần nào xóa bỏ lo âu của các chủ doanh nghiệp về việc thiếu hụt lao động sau Tết cổ truyền, làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi vậy tình trạng nhảy việc ít xảy ra trong những năm gần đây.  

Không khí làm việc đầu năm mới tại Công ty TNHH May mặc Vit-Garment.

Theo ông Đinh Quốc Toản, bắt đầu từ cuối tháng 10/2017, công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã xây dựng và triển khai kế hoạch, chỉ đạo 100% công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động chăm lo cho công nhân viên chức lao động nhân dịp Tết Mậu Tuất 2018.

Cụ thể, về thông báo mức điều chỉnh tiền lương cơ bản, bắt đầu từ tháng 1/2018 các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng I là 3.980.000 đồng/người/tháng.

Cùng với việc điều chỉnh tiền lương cơ bản, các doanh nghiệp còn hỗ trợ cho công nhân lao động (CNLĐ) các khoản phụ cấp như: ngành nghề, chuyên cần, nhà ở, xăng xe… với mức từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng/người/tháng.

Tại TPHCM, đến ngày 22/2, (tức mùng 7 Tết Mậu Tuất) tỷ lệ lao động trở lại làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố đạt 95%.

Cụ thể, một số doanh nghiệp có tỷ lệ người lao động trở lại làm việc cao, lên đến 98% như: Công ty FAPV 7.500 lao động, Công ty Nidex Tosoc 3.400 lao động, Công ty UACJ 570 lao động v.v…

Ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý lao động, Ban quản lý Các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM cho biết: “Các doanh nghiệp này có chính sách, có chế độ chăm lo tốt, rõ ràng cho người lao động nên động viên được người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Một việc quan trọng nữa, chúng tôi thấy rằng là kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp này có chiều hướng phát triển tốt cho nên công nhân gắn bó làm việc để cùng với doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong một năm mới có kết quả tốt”.

TP.HCM hiện có trên 290.000 lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, trong đó 65% là lao động đến từ các tỉnh, thành phố khác. Dự báo đến hết tuần này, nhiều công nhân kết hợp nghỉ phép, hoặc ở các tỉnh xa sẽ trở lại thành phố làm việc.

Năm nay, số công nhân quay trở lại làm việc gần như tuyệt đối là dấu hiệu vui của một năm mới. Điều đó không những thể hiện sự đãi ngộ tốt của các doanh nghiệp đối với người lao động mà còn khẳng định sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp, thể hiện sự hợp tác hiệu quả giữa tổ chức công đoàn với doanh nghiệp.

Tại TP Đà Nẵng, hơn 90% trong tổng số 74.300 người lao động tại các Khu công nghiệp chế xuất đã trở lại làm việc sau những ngày nghỉ Tết.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp ngành may mặc, thủy sản, sắt thép có lịch làm việc muộn hơn, sau ngày 10 tháng Giêng.
Bà Đinh Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng cho biết: Những năm gần đây, tình trạng thiếu lao động sau kỳ nghỉ Tết giảm hẳn. “Không khí làm việc đã trở lại bình thường, không còn tâm lý vui chơi cho hết Tết. Khoảng 3 năm trở lại đây tại Đà Nẵng, vấn đề biến động lao động ít, tỷ lệ không đáng kể. Các doanh nghiệp đã có nhiều chính sách để giữ chân người lao động tốt hơn, lao động và doanh nghiệp về cơ bản đã tìm được tiếng nói chung nhất định”./.