Thông tin về công tác nghiên cứu, khắc phục hậu quả cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, sáng 5/5, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngay sau khi xảy ra hiện tượng cá chết bất thường, Bộ NN&PTNT đã nhanh chóng chỉ đạo, có đoàn công tác đến để nắm tình hình, thu mẫu tại Hà Tĩnh và một số khu vực khác ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế.
Đã có 4 đoàn công tác của Bộ đã đến các tỉnh miền Trung. Hiện tại, một đoàn công tác do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai dẫn đầu đang tiếp tục làm việc, nắm bắt tình hình, cũng như chỉ đạo hỗ trợ công tác khắc phục sự cố cho các tỉnh này.
Theo báo cáo của các tỉnh, có khoảng gần 100 tấn cá chết dạt vào bờ |
Theo ông Như Văn Cẩn: Đối với công tác nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân, giải pháp khắc phục, hỗ trợ cho người dân, Bộ NN&PTNT giao trực tiếp cho 3 đơn vị trực tiếp, đó là: Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I chịu trách nhiệm thu mẫu, phân tích các vấn đề liên quan đến bệnh, môi trường trong các khu vực nuôi; Viện Môi trường nông nghiệp đảm nhiệm phân tích các độc tố trong nước; Viện Nghiên cứu hải sản đảm nhiệm nhiệm vụ đánh giá lại động lực, dòng hải lưu, các vấn đề liên quan đến thải độc…
Kết quả phân tích, đánh giá hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chuyển cho Bộ Tài nguyên – Môi trường và Bộ Khoa học – Công nghệ để tổng hợp, công bố nguyên nhân. Hiện công tác tìm nguyên nhân đã có sự vào cuộc của rất nhiều nhà khoa học. Việc tìm nguyên nhân cần đảm bảo khách quan, chính xác, minh bạch, vì vậy sẽ phải cần thêm một số thời gian nữa để xác định một cách chắc chắn, sau đó mới công bố.
Trước câu hỏi: “Các mẫu nước, mẫu cá phân tích theo quy chuẩn nào?”. Ông Như Văn Cẩn khẳng định, mẫu nước thì theo quy chuẩn chất lượng nước mặn ven bờ của Bộ Tài nguyên – Môi trường ban hành.
Còn về mẫu cá, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: “Mẫu phân tích thủy hải sản căn cứ theo quy chuẩn của Bộ Y tế về vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Chưa đến 100 tấn cá chết dạt vào bờ
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám thông tin, hiện có 2 nhóm vấn đề
đang được quan tâm. Nhóm thứ nhất là cần khẩn trương, khách quan có kết luận nguyên nhân cá chết. Việc này Thủ tướng đã giao cho Bộ Khoa học – Công nghệ chủ trì phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, các nhà khoa học trong nước và quốc tế để sớm tìm ra nguyên nhân.Bộ Tài nguyên – Môi trường, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ có trách nhiệm công bố các kết quả nghiên cứu.
Nhóm thứ hai là khôi phục sản xuất, khắc phục hậu quả, vấn đề này Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm chính, phối hợp với Bộ Y tế vì liên quan đến tiêu dùng sản phẩm. Vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã có hướng dẫn chi tiết các địa phương khắc phục hậu quả, tiếp tục chỉ đạo khôi phục sản xuất; tiếp tục đề xuất với Chính phủ có chính sách, cũng như cử các đoàn công tác thực tế vào các địa phương để giải quyết.
“Còn vì sao nói công bố đúng theo quy chuẩn như cá vẫn cứ chết như dư luận đặt ra?” – ông Vũ Văn Tám thừa nhận: “Đây chính là nguyên nhân hiện nay chúng ta đang tìm, tức là nằm ngoài những quy định thông thường, những chỉ tiêu thông thường của cá, thủy sản có thể sống được. Cá vẫn chết là do độc tố và các nhà khoa học hiện đang tập trung nghiên cứu. Chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi”.
Về lượng cá chết, ông Vũ Văn Tám khẳng định, theo báo cáo của 4 địa phương mà Bộ NN&PTNT nắm được, cá chết nổi lên dạt vào bờ là dưới 100 tấn, còn nói “rất nhiều” là vô cùng. Số cá này chết nổi rải rác. Tuy nhiên, số cá chết bị chìm xuống dưới đáy biển thì không thống kê được./.Giải pháp cấp bách ứng phó với cá chết bất thường ở miền Trung