Sáng 30/5, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội đã công bố kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2010 và Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020.

Theo kết quả điều tra, tính đến cuối năm 2010, cả nước có tổng số hộ nghèo là hơn 3 triệu hộ và hộ cận nghèo là hơn 1,6 triệu hộ với tỷ lệ hộ nghèo 9,45% theo chuẩn nghèo mới (400.000 đồng/tháng ở nông thôn, 500.000 đồng/tháng ở thành thị).

Xét về tỷ trọng số người nghèo ở từng vùng so với tổng số hộ nghèo trên cả nước, kết quả tổng điều tra cho thấy, với 77.802 hộ nghèo, chiếm tỷ trọng 2,55%, khu vực Đông Nam bộ là khu vực có số lượng hộ nghèo thấp nhất. Khu vực Đông Bắc có số lượng hộ nghèo lớn nhất cả nước với 581.560 hộ, chiếm 19,03%. Điện Biên là địa phương có tỷ lệ nghèo lớn nhất cả nước (trên 50%). Ngoài ra, còn có  81 huyện thuộc 25 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, trong đó bao gồm 54 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Sau 5 năm (2006-2010), tỷ lệ nghèo của cả nước giảm từ 20% năm 2006 xuống còn 9,45% năm 2010; bộ mặt nông thôn, nhất là vùng nông thôn miền núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc… đã có nhiều thay đổi tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

cong-bo-chuan-ngheo.jpg

Trả lời câu hỏi của đại diện một số tổ chức quốc tế, ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội khẳng định kết quả điều tra được thực hiện ở tất cả các hộ dân cư trong cả nước, phản ánh đúng thực trạng nghèo trên địa bàn, hạn chế được tình trạng “xin vào hộ nghèo” thời gian qua. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng cho rằng, trên thực tế, có một số lượng lớn dân di cư chưa tiếp cận được với các chương trình, chính sách giảm nghèo vì nhiều lý do. Tới đây, về mặt hành chính, thủ tục sẽ phải có sự phối hợp để giải quyết tình trạng này, với mục tiêu để các nhóm dân cư yếu thế đều có thể tiếp cận với hầu hết các chương trình, chính sách giảm nghèo.

Ông Nguyễn Trọng Đàm cũng cho biết, trong quá trình xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia sắp tới (không chỉ có chương trình về giảm nghèo, mà kể cả các chương trình về ứng phó biến đổi khí hậu, môi trường…), Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội sẽ kiến nghị các Bộ được giao phải xây dựng được một chương trình có khả năng lồng ghép để đạt được mục tiêu cao nhất về giảm nghèo.

Để tạo sự chuyển biến mới trong công tác giảm nghèo thời gian tới, Chính phủ đã phê duyệt Nghị quyết 80, ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020. Theo đó, mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết đề ra là đưa mức thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng lên 3,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm, các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo từng giai đoạn. Cải thiện rõ rệt điều kiện sống của người nghèo, trước hết về y tế, giáo dục, văn hoá, nước sinh hoạt, nhà ở; giúp người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới đối với các loại cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước sinh hoạt ở các huyện, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Đại diện UNDP Việt Nam, ông Christophe Bahuet phát biểu tại Hội nghị, đánh giá cao nỗ lực của Ban Chỉ đạo các Chương trình giảm nghèo và các cơ quan Chính phủ trong hơn 1 năm qua để tìm được sự đồng thuận về quan điểm chỉ đạo cho giảm nghèo. Ông cũng chỉ ra những điểm được coi là đột phá được thể hiện trong Nghị quyết: Quyết tâm dồn tổng lực đầu tư một cách hiệu quả cho các huyện, xã, thôn, bản nghèo nhất của Chính phủ Việt Nam được thể hiện một cách rõ nét; các chương trình chính sách giảm nghèo được chuyển dần từ hướng riêng lẻ, chắp vá sang một hệ thống chính sách giảm nghèo mang tính thường xuyên, toàn diện và có độ bao phủ cao, tránh phân tán nguồn lực và tăng trách nhiệm giải trình trong thiết kế, đánh giá hiệu quả thực hiện các chính sách giảm nghèo của từng cơ quan chuyên môn trung ương và cấp địa phương…

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu giảm nghèo và chuyển đổi sang hướng mới, theo ông Christophe Bahuet, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm và xem xét: các cơ quan trung ương cần nỗ lực để rà soát, đánh giá đúng thực trạng các chính sách hiện có nhằm đề xuất một hệ thống chính sách phù hợp và hiệu quả, giải quyết đúng nhu cầu của người nghèo xong vẫn tạo động lực để người nghèo tự vươn lên; cần có những chuyển đổi về thể chế và năng lực của các cơ quan thực hiện để đảm bảo quá trình triển khai thực hiện được thuận lợi và đúng hướng; cần tập trung nguồn lực để hỗ trợ thực hiện các chương trình dự án cấp cơ sở, khuyến khích các diễn đàn trao đổi của các địa phương để khuyến khích việc học hỏi và trao đổi kinh nghiệm giảm nghèo, trên cơ sở đó thể chế hoá các mô hình và bài học tốt từ sáng kiến của các địa phương…/.