40 năm sau (1972-2012), bức ảnh “Em bé Napalm” của nhiếp ảnh gia Huỳnh Công Út – Nick Út vẫn còn nguyên giá trị và làm xúc động bạn bè Pháp, trong cuộc triển lãm vừa diễn ra cuối tuần qua tại thủ đô Paris.
Bức ảnh nhiếp ảnh gia Huỳnh Công Út – Nick Út và tác phẩm “Em bé Napalm” |
“Chiến tranh là nguyên nhân gây đau đớn cho mọi người” và “hòa bình là niềm khao khát của các dân tộc trên thế giới”. Cuộc triển lãm có tên “Trước, trong và sau chiến tranh ở Việt Nam” đã nhấn mạnh thông điệp hòa bình mà bức ảnh “Em bé Napalm” từng gửi đến toàn nhân loại cách đây 40 năm đến nay vẫn mãi trường tồn.
Cuộc triển lãm do quận 13– nơi tập trung đông đảo cư dân gốc Á tại Paris- tổ chức, với mục đích tôn vinh một trong những bức ảnh được đánh giá là đã làm thay đổi lịch sử thế giới, nhân kỷ niệm 40 năm bức ảnh này.
Cuộc triển lãm cũng trưng bày khoảng 100 bức ảnh về chủ đề chiến tranh- hòa bình, hay nụ cười hạnh phúc trong cuộc sống hòa bình ở Việt Nam của tác giả Nick Út, mở ra một cái nhìn đặc biệt về Việt Nam cho cộng đồng người Việt và công chúng Pháp.
Ông Buon-Huong TAN, đại diện lãnh đạo quận 13 Paris cho biết: “Cuộc triển lãm rất quan trọng để giúp chính những thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên tại Pháp hiểu hơn về lịch sử đất nước của các em. Có một số em không biết những gì đã diễn ra trên chính đất nước quê hương của mình. Các em cần phải biết đến lịch sử dù đó có là chiến tranh khốc liệt nhưng đầy tự hào để dành độc lập dân tộc”.
Bức ảnh được phóng viên ảnh Nick Út chụp năm 1972 tại Trảng Bàng, Tây Ninh, ghi lại cảnh cô bé Kim Phúc, 9 tuổi da thịt và quần áo bị đốt cháy do bị phỏng bom napalm khi chạy khỏi ngôi làng đang cháy ngùn ngụt sau lưng.
Bức ảnh không chỉ thay đổi cuộc đời của Kim Phúc, giúp cô được chữa trị và nay trở thành Đại sứ của UNESCO, tạo nên mối quan hệ thân thiết giữa Kim Phúc và ân nhân của cô, mà còn thay đổi cách nhìn của cả thế giới về cuộc chiến ở Việt Nam.
Khách tham quan triển lãm và cộng đồng người Việt tại Pháp |
Ông Guy Kopelowicz, cựu đồng nghiệp với Nick Út tại hãng tin AP kể lại: “Ngay khi bức ảnh được đưa ra, tôi nhớ lại rằng chúng tôi đã lập tức nhận thấy đó là một bức ảnh phi thường. Dù ai cũng biết đang có chiến tranh ở Việt Nam, nhưng bức ảnh đã nói lên một câu chuyện đau đớn mà không phải ai cũng nghĩ đến. Bức ảnh cũng gặp những khó khăn để được đăng tải, nhưng đã gây chấn động cả thế giới khi nó lên mặt báo. Đó thực sự là một trong những bức ảnh của thế kỷ”.
Nói như Nick Út, nhiều người xem bức ảnh đã khóc và một số người tâm sự với ông rằng chính nhờ bức ảnh này mà tôi quyết định không bao giờ đi lính, không bao giờ tham gia chiến tranh.
Chị Helen Gedoin, một người Pháp có mặt tại triển lãm, xúc động cho biết: “Tôi thấy đó là một câu chuyện tưởng như rất khó tin. Bối cảnh lúc đó Nick Út còn rất trẻ và bức ảnh đã thay đổi cuộc đời của cả ông và Kim Phúc, tạo nên mối quan hệ có thể gọi là quan hệ “sống” giữa hai con người này. Bức ảnh đã phát đi thông điệp hòa bình, nhưng thật buồn là những người gây ra chiến tranh chưa hiểu ngay ra được thông điệp đó và sau đó chiến tranh tiếp tục khốc liệt. Sau này chiến tranh vẫn tiếp tục nổ ra ở nhiều nơi khác và trẻ em luôn là những nạn nhân tội nghiệp nhất”.
Trò chuyện với phóng viên VOV, tác giả Nick Út cho biết hàng chục năm qua, ống kính máy ảnh của ông đã đi rất nhiều quốc gia nhưng chưa bao giờ rời xa đất nước Việt Nam: “Tôi có nhiều hình chụp khi trở lại Việt Nam, tôi thấy bình yên và hòa bình thật quý. Cách đây mấy tháng, tôi có chụp hình các em nạn nhân da cam, tôi thấy rất buồn. Nhiều người bạn nước ngoài xem ảnh và hỏi tôi làm thế nào để gửi tiền về ủng hộ cho các em ấy và tôi đã gửi họ địa chỉ bệnh viện Từ Dũ để những người thực sự có tấm lòng gửi tiền giúp đỡ các em”.
Ông Nick Út cũng cho biết, sau triển lãm, những bức ảnh của ông sẽ được lưu lại tại trụ sở UNESCO ở Paris ./.