Chiều 8/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 1 và bão số 2, với sự tham gia của đại diện 15 tỉnh ven biển, miền núi phía Bắc. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định xu thế thời tiết, trong tháng 8/2016, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng hoạt động trên Biển Đông khoảng 2-4 cơn và có thể ảnh hưởng đến đất liền khoảng 1-2 cơn, đặc biệt tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ.
Thiệt hại do bão số 1 và bão số 2 là hơn 6.600 tỷ đồng. Cơn bão số 1 làm 7 người chết và 13 người bị thương. Bão số 2 gây mưa lớn cục bộ và lũ quét, sạt lở đất làm 13 người chết và mất tích, 19 người bị thương. (Trong đó, riêng Lào Cai 12 người chết và mất tích)
Đánh giá về công tác dự báo bão số 1 và số 2 vừa qua đại diện một số địa phương cho rằng công tác dự báo bão mặc dù đã rất cố gắng nhưng chưa sát với thực tế diễn biến khó lường của bão số 1.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhận định vấn đề chống úng ngập trong đô thị rất lớn, mặc dù thành phố rất chủ động nhưng thiệt hại cũng không nhỏ. Trong đô thị có gió mạnh gấp nhiều lần dự báo, nhất là đối với những khu vực nhà cao tầng.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, công tác dự báo là việc rất khó, tuy nhiên cần cố gắng làm sát hơn, chuẩn hơn để tuyên truyền từ quận huyện, xã phường tới người dân không chủ quan nhằm giảm thiểu thiên tai.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho rằng việc cảnh bão báo số 1 đổ bổ vào đất liền được dự báo ít nhất gần 24 tiếng. Tuy nhiên, bão di chuyển vào vịnh Bắc bộ với tốc độ nhanh, 20 km/h khi đến gần bờ biển Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình giảm dần từ 5-10km/h, khi sát gần bờ bão đột ngột dừng lại và di chuyển rất chậm.
Các bản tin chưa dự báo thực trạng bất thường này nên chưa cảnh báo được thời gian duy trì gió mạnh ở các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp lâu hơn so với thông thông thường.
Bình thường khi bão đổ bộ vào đất liền vùng ven biển gây gió mạnh từ 3 đến 4 giờ nhưng ở cơn bão này lâu hơn từ 6 đến 7 giờ liên tiếp có gió mạnh. Thực tế, không trung tâm dự báo quốc tế nào dự báo sớm hơn được việc này, đây vẫn còn là hạn chế của khoa học công nghệ dự bão báo.
Dự báo về cấp độ gió mạnh khi đổ bộ vào đất liền, bản tin đêm 26/7 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương và các địa phương đã cảnh báo cường độ gió cấp 8-9, giật cấp 10 -11 khu vực bão đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp.
Các bản tin tiếp theo ngày 27/7, thì bắt đầu tăng tốc lên cấp 9 trong vùng tâm bão, giật cấp 10 - 12, sau tăng dần lên cấp 10- 13. Các bản tin đã liên tục cập nhật cấp độ bão và gió mạnh tâm bão.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng công tác dự báo bão là hết sức khó. |
Về công tác dự báo mưa và lũ, dự báo mưa diện rộng ở Bắc Bộ từ 100-200mm có nơi 300mm có khả năng ngập úng, lũ quét hoàn toàn phù hợp với thực tế trong các bản tin dự báo.
“Trung tâm dự báo trung ương và đài dự báo địa phương đã cung cấp thông tin bản tin dự báo kịp thời đầy đủ cho Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức chỉ đạo triển khai và góp phẩn làm giảm thiểu tuyệt đối thiệt hại về người trên biển và người trên đất liền. Còn lại thiệt hại chủ yếu trên đất liền liên quan đến nông nghiệp và điện lực".
Đánh giá về nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả dự báo, ông Hoàng Đức Cường cho biết, bão số 1 hoạt động trong thời kỳ chuyển tiếp giữa El Nino và La Nina; nhiệt độ mặt nước biển trên vịnh Bắc Bộ trên 31 độ C; Bắc Bộ, Trung Bộ vừa trải qua một đợt nắng nóng dài làm cho khí quyển bất ổn định có thể gây lốc xoáy cục bộ kèm gió giật mạnh thêm 1-3 cấp so với cơn bão bình thường.
Hiện trường các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, sau bão cho thấy cây cối và cột điện đổ theo từng vệt như trong lốc xoáy, nước biển dâng khoảng 0,5m. Số liệu định vị sét, quan trắc tại các trạm và cảm nhận của người dân vùng bão cho thấy, mây đối lưu trong bão phát triển rất mạnh, tương tự trong các cơn dông cực mạnh, lốc xoáy, kèm sấm chớp. Đây là hiện tượng hiếm khi xảy ra trong cơn bão.
Biến đổi khí hậu, hoạt động của bão ngày càng trái quy luật, nhất là về cường độ, tốc độ, hướng di chuyển và các hiện tượng mưa lớn, dông mạnh, lốc xoáy kèm theo bão.
Vì thiếu số liệu quan trắc trên biển nên việc xác định đúng vị trí, cường độ thực tế của bão, đặc biệt là cấu trúc bão dẫn đến khó khăn trong việc nhận định sớm sự di chuyển chậm lại của bão khi vào gần bờ.
Các bản tin dự báo bão chưa nêu cụ thể về gió trung bình cao nhất trong khoảng 2 phút (gió mạnh) và gió giật mạnh tức thời trong 2 giây. Ý nghĩa của loại gió này chưa được phổ biến đến cộng đồng, các nhà quản lý để có biện pháp phòng chống phù hợp. Gió trung bình cao nhất có thể làm các công trình kiên cố sụp đổ nếu từ cấp 10 trở lên và nước biển dâng cao 1-1,5m. Gió giật mạnh nhất tức thời thường làm tốc mái nhà, cây cối, cột điện, tháp cao gẫy đổ./.