Sáng 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật An ninh mạng.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, đây là dự án luật rất quan trọng để góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn xã hội; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng, đặc biệt là bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng của an ninh quốc gia. Luật này cũng có ý nghĩa quan trọng trước sự phát triển lành mạnh của khoa học kỹ thuật, công nghệ và Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với quốc tế trên nhiều lĩnh vực.

bo_truong_to_lam_cdhg.jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Tình hình an ninh không gian mạng trên khu vực và thế giới hiện diễn ra phức tạp, nhất là các hoạt động tấn công mạng, gián điệp, khủng bố trên mạng, đặc biệt là nguy cơ “chiến tranh lạnh” đã và đang đe dọa trực tiếp tới nước ta. 

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Luật An ninh mạng được ban hành sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, các cơ quan, tổ chức và nhân dân có thể chủ động tiến hành có hiệu quả các hoạt động, biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh, loại trừ các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng; các hành vi tấn công vào hạ tầng kỹ thuật mạng máy tính, viễn thông, internet ở Việt Nam. Đồng thời bảo đảm quyền con người, quyền công dân; khắc phục các hạn chế của pháp luật hiện hành, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Đề xuất phạt nặng nếu đưa thông tin giả mạo, sai sự thật

Một trong những nội dung khiến các đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận dự thảo Luật An ninh mạng là mức phạt cho các cá nhân, tổ chức đăng tin tức giả mạo, sai sự thật.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) cho rằng, nên tăng cường quản lý mạng xã hội bằng các Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Tiếp cận thông tin để ngăn chặn các tin tức giả, quảng cáo hướng mục tiêu vào sự thao túng của các nhóm đối tượng xã hội đối với hoạt động mạng xã hội.

Chúng ta nên tăng cường biện pháp tăng cường mức phạt. Ví dụ như ở Đức có mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu Euro với các tin tức giả…

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) - ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Phản  biện ý kiến cho rằng, chúng ta có thể phạt nặng đến từ hàng chục triệu Euro đến 5.000 hoặc thậm chí 50.000 USD cho những thông tin sai sự thật, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho rằng, trong thực tế, với những người làm án, khi các đối tượng phạm tội dùng địa chỉ IP ở nước ngoài tấn công, lừa đảo thì chúng ta không biết họ là ai nên yêu cầu nhà mạng cung cấp, họ không cung cấp. Như vậy, chúng ta chấm dứt luôn toàn bộ vụ án.

Có ý kiến cho rằng, các quy định của hai luật An ninh quốc gia và An toàn thông tin đã bao quát vấn đề an toàn thông tin mạng, giả sử nếu còn bỏ sót quy định nào đó thì cũng có thể rà soát bổ sung.

Tuy nhiên, đại biểu Hữu Cầu lại cho rằng, Luật An toàn thông tin mạng bảo vệ sự an toàn thông tin nhưng mang mục đích chung nhất tính nguyên vẹn của thông tin, tính bảo vệ thông tin và khả dụng thông tin. Còn Luật An ninh mạng tập trung chống lại các thông tin độc hại, xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích  hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, mỗi luật có một điều chỉnh riêng, có quy định riêng. Ví như đã có Bộ luật Hình sự để đấu tranh phòng chống các loại tội phạm song vẫn cần xây dựng thêm các luật chuyên ngành như: Luật phòng, chống tham nhũng; Luật phòng, chống ma túy, Luật phòng, chống mua bán người…/.