Phát biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội sáng 27/10, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu ra những trăn trở về hiện tượng trục lợi chính sách, trong đó có việc làm giả hồ sơ thương binh.

Đề cập đến việc dư luận bức xúc vì gần 600 hồ sơ thương binh làm giả ở Nghệ An, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng, sự việc này không chỉ dừng lại ở vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của những người có công và thân nhân của họ.

thuong_binh_gia_pidk.jpg
Nhiều hồ sơ thương binh làm giả để trục lợi chính sách bị phát hiện. (Ảnh minh họa: KT)
Bà Thủy dẫn báo cáo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho hay, tính tới tháng 4/2017, kết quả thanh tra tại 5 quân khu và 29 địa phương đã phát hiện 1.800 hồ sơ thương binh giả mạo. Việc làm giả ở nhiều địa phương khá công khai, những người có nhu cầu tìm đến đối tượng cò mồi, điền vào hồ sơ và nộp tiền. 

Tình trạng cò mồi làm giả hồ sơ thương binh xuất hiện nhiều. Có những người chưa nhập ngũ ngày nào nhưng chỉ cần chi tiền cho "cò" là nghiễm nhiên trở thành… thương binh. Có người bị vết thương do lao động cũng đi giám định làm hồ sơ thương binh, trong khi đó nhiều người có công do không còn giấy tờ gốc nên không được công nhận đang là nỗi day dứt, nữ đại biểu đoàn Bắc Kạn phản ánh.

"Cử tri đặt câu hỏi bản thân các đối tượng làm giả có thể tự làm giả hồ sơ hay không, tại sao quy trình xác nhận thương binh rất chặt chẽ, qua nhiều khâu và nhiều cơ quan có thẩm quyền mà vẫn có thể trót lọt. Có hay không có sự câu kết với cán bộ có thẩm quyền. Nếu có thì ai đã tiếp tay cho các trường hợp này", bà Thủy đặt câu hỏi.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đặt câu hỏi: "Ai đã tiếp tay cho cò mồi làm giả hồ sơ thương binh?"

Nữ đại biểu này cũng băn khoăn, tại sao các vi phạm nghiêm trọng xảy ra trong thời gian dài và số lượng lớn như vậy mà các địa phương lại không phát hiện ra? Chỉ đến khi thanh tra của Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động vào cuộc thì mới phát hiện được.

Từ thực tế đó, bà Thuỷ đề nghị phải có thanh tra toàn diện để giải quyết triệt để; nếu nguyên nhân là do chủ quan, cố ý vụ lợi thì phải xử lý nghiêm.

Một vấn đề khác được đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu ra là bảo vệ những người tố cáo. Theo bà Thủy, quá trình xử lý vấn đề hồ sơ thương binh giả đã gây ra khó khăn cho những người tố cáo.

"Có người bị đe dọa, rơi vào thế cô độc với người xung quanh vì những thương binh giả đều là người cùng làng cùng xóm". Do đó, đại biểu Thủy đề nghị các ngành liên quan dựa vào dân, khuyến khích và có biện pháp bảo vệ người tố cáo./.