Theo thống kê, tại vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) hiện có khoảng gần 100.000 cô dâu Việt sinh sống và thế hệ “F2” là khoảng 200.000 cháu mang hai dòng máu.Con của những cô dâu Việt đầu tiên sang Đài Loan đã ở độ tuổi vào đại học. Có khoảng 70% cô dâu Việt đã mang quốc tịch Đài Loan, có cuộc sống ổn định và không tránh khỏi trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc nơi xứ người, nhiều cô dâu Việt đã có những hoàn cảnh éo le, trắc trở…
Muôn nẻo kiếm tìm hạnh phúc
Chị Lê Thị Linh, ở Thạch Thất, Hà Nội sang Đài Loan làm giúp việc gia đình đã 10 năm nay. Có lẽ nếu có cuộc sống hạnh phúc, êm ấm nơi quê nhà, thì chị đã không có mặt nơi xứ Đài này. Ở tuổi 20, cô thôn nữ nghèo khó nhưng siêng năng, chăm chỉ kết hôn với một người cùng quê. Mặc dù có với nhau 3 mặt con, nhưng chị Linh chưa có một ngày hạnh phúc, bởi người chồng ham cờ bạc, nát rượu suốt ngày lôi vợ ra đánh đập, xỉ vả. Qua môi giới, chị để 3 con cho bố mẹ đẻ và sang thành phố Đài Bắc, Đài Loan lao động để kiếm tiền nuôi con, phần vì muốn thoát khỏi người chồng tệ bạc. Chị sang Đài Loan được một thời gian, vợ chồng chị ra tòa ly dị.
Bên ngoài quán ăn của vợ chồng chị Linh ở thành phố Đài Bắc |
Với bản tính chịu thương chịu khó, chị Linh được chủ nhà ở Đài Bắc quý mến, rồi lọt vào “mắt xanh” của một người đàn ông Đài Loan đã góa vợ và có 2 đứa con đã trưởng thành. Có người Đài Loan nói với chị rằng: “Tôi thấy chị nhanh nhẹn, xinh xắn, tươi tắn thế này mà chồng chị ở Việt Nam hắt hủi à? Nhiều người muốn có vợ như chị mà không được đấy!”.
Người chồng Đài Loan mở cửa hàng ăn và chị là “trợ thủ” đắc lực giúp chồng quán xuyến, nấu ăn, phục vụ khách. Những đứa con tại Việt Nam chị đã đưa sang học tập, làm việc tại Đài Loan và được người chồng ngoại quốc hết lòng ủng hộ. Gặp nhóm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam tới ăn tại quán, vợ chồng chị Linh rất vui và cho biết, giờ kinh tế đã dư giả nên chị đều đặn hàng năm về Việt Nam thăm bố mẹ. Chị nói, giờ chị đã “tươi” trở lại rồi.
Còn chị Lý Việt Bảo, quê ở Cao Lãnh, Đồng Tháp thì lấy chồng Đài Loan qua mai mối đã được 16 năm. Khi mới lớn, cô thôn nữ miền sông nước đã được nghe người lớn trong ấp nói chuyện về những cô gái cùng quê, lên thành phố kiếm chồng là những người đàn ông ngoại quốc sang Việt Nam tìm vợ. Cũng có thông tin có người ôm con trở về vì tình duyên trắc trở… Dẫu biết rằng, lấy chồng khi chưa biết gì về người sẽ sống với mình giống như “đánh bạc” với cuộc đời, nhưng do hoàn cảnh, chị Lý Việt Bảo đã kết hôn người chồng hơn mình 10 tuổi.
Chị Lý Việt Bảo cùng chồng và con trai tham dự buổi gặp mặt Tết sớm của cộng đồng người Việt ở thành phố Đài Nam - Đài Loan |
Hiện vợ chồng chị Bảo sinh sống ở thành phố Đài Nam, có cậu con trai đã 14 tuổi. Chị làm công nhân cho một công ty điện tử, còn anh làm chế tác kim hoàn. Chị chia sẻ: “Ban đầu lấy nhau cũng gặp nhiều khó khăn do ngôn ngữ, văn hóa bất đồng, song hai bên cùng cố gắng hòa hợp. Anh rất hiền lành, yêu vợ con và tôi không có gì phải hối tiếc khi làm dâu Đài Loan cả”.
Hạnh phúc do mình tạo ra
Chị Trần Lâm Phụng, quê gốc ở Long Khánh (Đồng Nai), hiện đang tham gia dạy tiếng Việt tại Đài Loan, làm dâu Đài Loan đã hơn 10 năm cho biết, để có được hạnh phúc, điều quan trọng của cô dâu Việt là phải hòa nhập được với xã hội sở tại. Để làm được điều này, theo chị Phụng, phụ nữ Việt Nam với bản tính đảm đang, hiền hậu, thì không phải là điều quá khó, mà cái khó chính là bản thân những cô dâu có chịu học hỏi hay không mà thôi.
“Ở trong nước hay ngoài nước cũng vậy, hạnh phúc là do mình tạo ra. Ở Việt Nam gọi là “nhập gia tùy tục”, vì thế dù làm dâu nước ngoài, đã đến nhà chồng là phải học hỏi, tìm hiểu văn hóa nhà chồng, hiểu văn hóa người bản địa và văn hóa của dân tộc mình thì cuộc sống mới hòa hợp được” – chị Lâm Phụng nói.
Còn bí quyết của chị Lê Thị Linh thì rất đơn giản, chị cho rằng sống ở đâu cũng vậy, cứ thật thà, chịu thương chịu khó thì sẽ được chồng và gia đình chồng yêu quý, dù ở Việt Nam hay Đài Loan.
Chị Trần Lâm Phụng (áo dài) tham gia giao lưu cùng các cô dâu Việt và thế hệ "F2" tại Đài Nam |
Nhiều chương trình ý nghĩa cho cô dâu Việt
Ông Bùi Trọng Vân, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết, cô dâu Việt ở Đài Loan rất đa dạng: nhiều chị sang học tập, công tác, hoặc làm giảng viên đại học và lấy chồng, có chị đi xuất khẩu lao động, sau đó bén duyên và cũng không ít trường hợp do mai mối. Nhiều chị đang tham gia công tác vào những cơ quan của địa phương như cơ quan di dân, xuất nhập cảnh, dạy tiếng Việt…
Tuy nhiên, bên cạnh những cô dâu Việt có cuộc sống hạnh phúc, thành đạt, vẫn có những chị có hoàn cảnh éo le, do trước đó không hiểu biết nhau nên việc xây dựng gia đình đã không mang lại hạnh phúc; có cô dâu đã ly thân, ly hôn, gửi con về Việt Nam cho bố mẹ nuôi nấng.
Theo ông Vân, đối với chương trình hỗ trợ người nước ngoài sinh sống tại Đài Loan nói chung và người Việt nói riêng, các Sở Lao động, Tổng cục Di dân, Sở Di dân, các đội phục vụ ở các địa phương Đài Loan đã có những chương trình giúp hỗ trợ, xử lý các vấn đề về mâu thuẫn gia đình; họ cung cấp những số điện thoại để có sự can thiệp kịp thời. Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắccũng đề xuất những chương trình như tái tạo việc làm, dạy nghề cho các cô dâu Việt, khuyến khích họ mở những quán ăn Việt Nam… Khi có công ăn việc làm, các cô dâu sẽ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, cũng như có tích lũy gửi về giúp đỡ bố mẹ.
Thế hệ "F2" ở Đài Loan vào khoảng 200.000 cháu |
Chính phủ Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận về tương trợ tư pháp dân sự. Theo đó, những vấn đề phát sinh về quyền lợi của công dân sẽ được xử lý trong khuôn khổ này. Những cô dâu tuy gốc Việt, nhưng phần lớn mang quốc tịch Đài Loan và họ có đóng góp nhất định cho xã hội, kinh tế Đài Loan. Đài Loan cũng rất coi trọng xã hội đa văn hóa, hoan nghênh người nhập cư mới và có rất nhiều chính sách tốt. Với nỗ lực đó, cuộc sống của bà con gốc Việt sẽ ổn định hơn.Ông Bùi Trọng Vân cũng khẳng định, mỗi người Việt Nam ra nước ngoài đều có vai trò như một sứ giả, một nhà ngoại giao bán chuyên nghiệp. Với cô dâu Việt, họ mang theo bản sắc của người phụ nữ Việt Nam: thông minh, đảm đang, chung thủy, thương chồng yêu con, do đó, hầu hết các cô dâu để lại ấn tượng tốt đẹp với người Đài Loan.
Luôn mong cô dâu Việt hạnh phúc
Ông Trương Kỳ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Di dân Đài Loan khẳng định: Sở Di dânrất quan tâm tới các cô dâu ngoại quốc nói chung, cô dâu Việt Nam nói riêng sinh sống ở Đài Loan và luôn mong muốn họ có cuộc sống ổn định, hạnh phúc.
Ông Trương Kỳ, chị Hoàng Oanh (giữa, một cô dâu Việt làm việc tại Tổng cục Di dân) trả lời phỏng vấn phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam |
“Chúng tôi yêu cầu những chủ tuyển dụng khi thuê các cô dâu Việt làm việc ở công ty của họ, hàng tháng có thể trích ra một khoản tiền dành cho quỹ lương hưu để lo cho cuộc sống của các chị sau này, khi không có đủ điều kiện sức khỏe. Về chính sách chung, chúng tôi có một quỹ dành cho hỗ trợ hôn phối nước ngoài. Chúng tôi rất tôn trọng sự đa dạng về văn hóa, để các chị có thể học văn hóa Đài Loan cũng như học nghề. Khi nào các chị muốn về nước phát triển nghề nghiệp, thì lúc đócó thể tự phát huy khả năng của mình. Đó là mong đợi của chúng tôi” – ông Trương Kỳ nói.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Di dân nhấn mạnh, cô dâu hay người Việt Nam đang ở Đài Loan đều có sự đóng góp vào công cuộc xây dựng xã hội sở tại, cũng như mang lại cho Đài Loan sự đa dạng về văn hóa./.