Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, hiện nay, mỗi năm nước ta có khoảng 1,4 - 1,6 triệu người bổ sung vào lực lượng lao động. Sự dồi dào của lực lượng này thực sự đang tạo ra cơ hội vàng cho sự phát triển xã hội. Lực lượng này được tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động, sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá trị tích luỹ lớn cho tương lai của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội khi nước ta bước vào giai đoạn “dân số già”.

Cơ cấu dân số vàng, tức là số người trong độ tuổi lao động cao hơn số người phụ thuộc, chỉ có thể kéo dài tối đa là 40 năm. Như vậy, việc nắm bắt cơ hội để tạo nên một bước đột phá cho sự phát triển của đất nước thật không dễ dàng gì.

lao-dong.jpg

Việt Nam vẫn còn thiếu lao động có trình độ chuyên môn cao - ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, nguồn lao động dồi dào sẽ trở thành vấn đề mà xã hội phải đối mặt, áp lực về việc làm cho đội ngũ này là thách thức lớn trong "giai đoạn dân số vàng" của đất nước.

Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, cho rằng: “Chúng ta chuẩn bị đón nhận những thách thức mới, những lĩnh vực mới của công tác dân số, tỷ số giới tính khi sinh đã tăng đến mức báo động. Nếu như chúng ta không có những giải pháp quyết liệt thì đây sẽ là những hiểm họa không lường, gây hệ lụy không nhỏ cho đất nước ta trong một vài chục năm tới”

Mặt khác, nếu như lực lượng lao động dồi dào ở giai đoạn này không làm ra khối lượng của cải vật chất đủ để nuôi sống chính họ thì hậu quả sẽ kéo dài mãi về sau. Trên thực tế, Việt Nam đang ở trong “giai đoạn dân số vàng” nhưng việc tận dụng triệt để thời cơ này là điều khó khăn.

Báo cáo về tình hình thị trường lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định: “Việt Nam thiếu trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành tài chính, ngân hàng, du lịch, bán hàng... nên nhiều nghề và công việc phải thuê lao động nước ngoài trong khi lao động xuất khẩu đa phần có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hoặc mới chỉ qua giáo dục định hướng”.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Lao động và Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: mỗi lao động cần thấy rõ vị trí, trách nhiệm của mình trong vấn đề chung của toàn xã hội. Tham gia học tập, đào tạo để nâng cao tri thức chuyên môn, nâng cao tay nghề là người lao động đã chủ động tự cứu mình trong bối cảnh hiện nay. Người lao động cần tạo ra nhiều nhất có thể giá trị tích luỹ, để đảm bảo chính cuộc sống của mình trong tương lai.

“Việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề và đảm bảo kỹ năng trong bối cảnh năm 2020 đạt mức thu nhập trung bình… Nếu chúng ta không thay đổi các ngành nghề có năng suất cao, có hàm lượng giá trị gia tăng cao thì đến thời gian đó chúng ta sẽ dừng lại, và mức độ gia tăng về thu nhập sẽ rất thấp”, bà Nguyễn Thị Lan Hương cảnh báo.

Cơ cấu dân số vàng là một cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội nếu như Chính phủ có những chính sách về lao động và việc làm phù hợp. Vì vậy, ngay từ bây giờ, Chính phủ cần có các giải pháp phát triển đúng đắn và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả để tận dụng cơ hội thuận lợi này./.