Tại cuộc họp với các đơn vị liên quan về công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em ngày 26/10,  GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, từ tháng 11/2021, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc.

Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn gửi cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, đồng thời đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10/2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện. Ngày 27/10, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em.

Trong thời gian gần đây, vấn đề tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em được nhiều người quan tâm, trong đó có các chuyên gia y tế và đặc biệt là các phụ huynh có con em trong độ tuổi đến trường. Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc tiêm vaccine Covid-19 từ các nhà chuyên môn cũng như các phụ huynh.

VOV.VN đã đưa ý kiến của nhiều chuyên gia y tếcũng như các phụ huynh học sinh, trong đó nhiều người mong muốn trẻ được tiêm để được bảo vệ tốt hơn trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng không ít người lo lắng khi thử nghiệm, vaccine chưa có bằng chứng rõ ràng về biến chứng và ảnh hưởng về sau như thế nào, nhất là đối với trẻ em.

Để có thêm góc nhìn, phóng viên VOV.VN phỏng vấn TS.BS Phạm Đức Phúc, chuyên gia y tế công cộng về vấn đề này.

Nên ưu tiêm tiêm phủ vaccine cho nhóm nguy cơ cao

PV:Bộ Y tế đang có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em, trước mắt là tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, ông đánh giá như thế nào về chủ trương này?

TS.BS Phạm Đức Phúc: Quan điểm của tôi là ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa nên tiến hành tiêm cho các đối tượng khác khi mà đối tượng nguy cơ cao mà chưa bao phủ được hết. Tính đến hiện nay, trên 50% đã đủ 1 mũi, khoảng 25% đã tiêm mũi 2. Chúng ta chưa đạt được trên 70% dân số về miễn dịch cộng đồng, vì thế nên dành vaccine ưu tiên cho nhóm đối tượng: người già, người có bệnh nền…Ví dụ ở một số thành phố lớn, vừa rồi tiêm bao phủ được nhiều hơn nhưng một số tỉnh miền Tây Nam Bộ đang có xu hướng bùng trở lại, tỷ lệ tiêm bao phủ chưa cao.

Tôi nghĩ ít nhất là từ thời điểm này đến tháng 6/2022, với lượng vaccine như hiện nay, nên ưu tiên cho nhóm đối tượng đó trước, với lý do họ là nhóm có nguy cơ cao, nếu mắc thì bệnh trở nặng phải nhập viện nhiều và dễ tử vong, sẽ quá tải cho hệ thống y tế. Nếu bảo vệ nhóm đó tốt sẽ đỡ gánh nặng cho ngành y tế.

Còn đối với trẻ em, trên thế giới cũng đã có số liệu tỷ lệ nhiễm không cao và trở nặng thấp, dưới 1% so với các nhóm khác.

Và một điều quan trọng khác nữa là hiện nay thử nghiệm vaccine chưa có bằng chứng rõ ràng về biến chứng và ảnh hưởng về sau như thế nào, nhất là đối với trẻ. Trẻ em vẫn đang giai đoạn phát triển, hệ miễn dịch chưa ổn định, đó cũng là một trong những lý do mà theo tôi, trước mắt dành vaccine cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Cách đó cũng là có thời gian có nhiều bằng chứng xác thực hơn về vaccine, để có độ tin tưởng hơn trước khi tiêm cho trẻ em.

Nếu tiêm cho trẻ, cũng cần ưu tiên nhóm có bệnh nền trước

PV:Nhưng thưa ông, trong đợt dịch vừa qua theo thống kê sơ bộ ở TP.HCM có tới 20.000 trẻ em mắc Covid-19, nên nhiều người cũng lo ngại nếu trẻ em không được tiêm sẽ có sự lây ngược trở lại cho cộng đồng và thành vòng luẩn quẩn?

TS.BS Phạm Đức Phúc:
Đúng là có thống kê có 20.000 trẻ em ở TP.HCM mắc Covid-19 nhưng ca tử vong rất ít (khoảng hơn 10 bệnh nhân), hầu như rơi vào những em có bệnh lý nền, còn lại triệu chứng giống như các bệnh cúm khác, ai cũng có lây nhiễm nhưng mức độ trở nặng rất ít.

Còn câu chuyện lây ngược trở lại cộng đồng thì cũng chưa có bằng chứng rõ ràng. Nếu như nhóm người cao tuổi và những nhóm người khác được tiêm vaccine rồi thì vô hình trung cũng giảm tỷ lệ lây nhiễm ngược từ trẻ em sang người lớn.

Tôi cho rằng, không phải là vòng luẩn quẩn, mà câu chuyện ở đây chính là chưa bao phủ đồng đều vaccine cho tất cả các nơi, đặc biệt là những vùng có người mắc cao nhưng tỷ lệ bao phủ vaccine thấp, đó mới là điều quan ngại. Công bằng trong phân phối vaccine là phải ưu tiên cho những nhóm như vậy.

Thứ nữa là trong nhóm từ 12-17 tuổi cũng cần có sự chọn lọc, vì trong nhóm đó cũng có em có bệnh nền, béo phì, tiểu đường. Nếu tiêm cho trẻ cũng phải ưu tiên cho nhóm đó trước, chứ không phải cứ theo nghĩa ưu tiên cho thành phố lớn hay lứa tuổi. Ngay ở lớp 10 cũng có các em có bệnh nền, cần sàng lọc để có những ưu tiên như vậy.

Có nhiều giải pháp chứ không phải tiêm vaccine mới đến trường

PV:Hiện nay nhiều địa phương đang đang có kế hoạch cho học sinh trở lại trường học. Vậy theo ông, có nhất thiết trẻ đến trường học đều phải tiêm vaccine Covid-19?

TS.BS Phạm Đức Phúc:
Trước tiên phải nói đến công tác truyền thông của ngành y tế, đặc biệt là tiêm chủng phải làm rất chặt trước khi tiêm cho nhóm đối tượng trẻ em. Truyền thông phải tới, nghĩa là phải cung cấp đầy đủ thông tin khách quan, phải chuẩn bị sẵn sàng các điểm tiêm. Ví dụ như trước đây, tiêm chủng mở rộng, tiêm phòng đa phần tại các bệnh viện lớn, các cơ sở y tế đã được tập huấn thì có kỹ năng tiêm tốt hơn. Còn việc tiêm cho trẻ cần được sự tự nguyện từ phía gia đình chứ không phải bắt buộc. Khi làm công tác truyền thông tốt, nghĩa là gia đình, cha mẹ họ có quyền quyết định con mình tiêm hay không tiêm.

Còn đến trường thì bắt buộc có phải tiêm vaccine hay không? Vaccine là quan trọng, nhưng vaccine đang trong giai đoạn khẩn cấp, có rất nhiều lo ngại, kể cả tiêm cho người lớn thì cũng phải công bằng trong chuyện đó, chứ không thể khẳng định vaccine bảo vệ được 100%.

Ngoài vaccine, còn nhiều biện pháp khác nếu như chúng ta tuân thủ tốt các biện pháp khi đến lớp, như bố trí giãn cách, kiểm soát thân nhiệt, vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang… Các trường học và ngành giáo dục phải có kế hoạch chuẩn bị chu đáo. Hoặc có thể học 50% luân phiên chứ không phải đến trường hết, tiếp tục học online. Nên ưu tiên cho những nhóm cần đến lớp nhưng phải đảm bảo giãn cách, phòng học thông thoáng…

Có nhiều giải pháp chứ không phải cứ tiêm vaccine mới cho học sinh đến trường. Còn với tình hình hiện nay vẫn có nhiều ca dương tính cao, chúng ta vẫn phải tuân thủ việc giãn cách và vệ sinh, hệ thống kiểm soát tốt nhất. Chiến lược chúng ta phải dần dần sống chung với dịch. Chúng ta hiện nay vẫn thiếu vaccine và nhiều loại vẫn chưa được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn về độ an toàn nên đôi khi nhiều người vẫn lo lắng về độ tin tưởng.

Thử nghiệm trên nhóm nhỏ và đưa ra cộng đồng là câu chuyện dài

PV:Nhiều người cũng lo lắng về vaccine tiêm cho trẻ bởi cho rằng trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, nhất là các em đang ở độ tuổi hoàn thiện hệ miễn dịch và các chức năng sinh học của cơ thể. Theo ông, điều này có cần quan tâm không?

TS.BS Phạm Đức Phúc:
Chắc chắn trẻ em không phải người lớn thu nhỏ vì toàn bộ hệ miễn dịch đang trong giai đoạn phát triển, chưa ổn định. Cần tính toán có những liều vaccine riêng cho trẻ đã qua các khâu kiểm duyệt, nghiên cứu kiểm nghiệm rất chặt chẽ trước khi đem ra thị trường. Đặc biệt phải có cả đánh giá được tác dụng phụ, đảm bảo tác dụng phụ ở mức ít nhất.

Tiêm giảm liều không đánh giá được hiệu quả và ảnh hưởng như thế nào, hoặc có những nguy cơ nặng hơn ngay tức thì hay lâu dài mà chúng ta không biết, hoặc có thể gây ra nguy cơ tăng bệnh tự miễn vì vaccine thường gây ảnh hưởng tới hệ miễn dịch, khi đó nó có thể làm tăng nặng nguy cơ bệnh tự miễn sau này sẽ gặp phải.

Đây cũng là vấn đề quan ngại, cần thận trọng và có thêm thời gian, thêm các nguồn vaccine đã được kiểm duyệt của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Hiện chúng ta đang xác định Pfizer được Mỹ kiểm duyệt tiêm cho trẻ, nhưng với quan điểm của tôi cần phải có đánh giá tổng thể. Đây mới đánh giá được hiệu quả của vaccine khi thử nghiệm, còn trong cộng đồng và trên nhóm trẻ em diện rộng chưa đánh giá được. Nhóm thử nghiệm chỉ là nhóm nhỏ và đối tượng đích là khác nhau, đôi khi chỉ đáp ứng được trong nhóm nhỏ, còn tung ra cả cộng đồng là một câu chuyện rất dài.

PV: Xin cảm ơn ông./.